VƯỢT 14.000 KM ĐẾN VIỆT NAM TÌM CON SAU MỘT THẬP KỶ VÔ VỌNG
Xưa nay, chuyện người Việt ra nước ngoài điều trị bệnh được rất nhiều người ưa chuộng. Nhưng người nước ngoài đến Việt Nam để sử dụng dịch vụ y tế thì nghe thật lạ. Vài năm gần đây, du khách nước ngoài có xu hướng kết hợp du lịch Việt với mục đích khám chữa bệnh, chủ yếu là y học cổ truyền, nha khoa và thẩm mỹ. Sau khi kỹ thuật CAPA – IVM do PGS. TS. BS. Vương Thị Ngọc Lan cùng các cộng sự nghiên cứu và điều trị thành công cho hàng chục ngàn gia đình hiếm muộn, Việt Nam được bạn bè quốc tế quan tâm nhiều hơn đến lĩnh vực thụ tinh trong ống nghiệm. CAPA-IVM là từ để chỉ kỹ thuật điều trị vô sinh, trong đó người vợ hoàn toàn không cần thiết phải kích thích buồng trứng. Kỹ thuật này được chứng minh là có hiệu quả không thua kém IVF (40-50%). Hy vọng rằng câu chuyện về em bé Thổ Nhĩ Kỳ chào đời từ kỹ thuật IVM của Mỹ Đức sẽ lan tỏa niềm vui và tiếp thêm năng lượng cho các cặp vợ chồng đang mong chờ con yêu.
Ngày 18/5/2023, thiên thần nhỏ Hiba đã đến trong vòng tay yêu thương của ba mẹ sau 10 năm chờ đợi. Từ bên kia nửa vòng trái đất, mẹ cô bé gửi tặng bác sĩ Mỹ Đức những tấm hình xinh xắn cùng lời cảm ơn về khoảng thời gian tốt đẹp khi điều trị tại Việt Nam. Ba mẹ Hiba đã vượt quãng đường hơn 14.000 km với rất nhiều trở ngại mới có được thành quả như ngày hôm nay. Hai vợ chồng vốn là người Mỹ, gốc Thổ Nhĩ Kỳ. 10 năm liền, anh chị tìm đủ mọi cách để có con nhưng không thành. 6 lần làm IVF tại Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đều thất bại. Nguyên nhân là do người vợ bị hội chứng buồng trứng kháng gonadotropin (GROS), không rụng trứng tự nhiên và không kích thích buồng trứng được, chỉ có thể mang thai bằng kỹ thuật IVM. Thật may mắn khi hai vợ chồng được GS. Smizt – chuyên gia Hỗ trợ sinh sản hàng đầu nước Bỉ – giới thiệu sang Việt Nam để PGS. TS. BS. Vương Thị Ngọc Lan điều trị.
Tháng 5/ 2021, hai vợ chồng vì quá nôn nóng nên muốn sang điều trị liền dù khi đó Việt Nam đang trong đỉnh dịch Covid 19. Thấu hiểu được tâm lý mong con của anh chị, các bác sĩ Mỹ Đức hết lòng hỗ trợ mọi thủ tục hành chính và lịch trình điều trị để thuận tiện cho hai vợ chồng. Bác sĩ Lý Thiện Trung – người theo sát quá trình điều trị của anh chị cùng bác sĩ Ngọc Lan từ những ngày đầu cho biết: “Mình làm giấy xin phép Lãnh sự quán cấp visa trong giai đoạn dịch, rất gian nan! Anh chị phải xin giấy xác nhận chuyên môn của bác sĩ ở Mỹ và Việt Nam. Đến tháng 6/2022 hai vợ chồng có mặt tại Việt Nam và điều trị chu kỳ đầu tiên, chọc hút trứng vào tháng 12/6/2022. Lần đó được 7 noãn chưa trưởng thành, 5 phôi ngày 2 (gồm 3 phôi loại 2 và 2 phôi loại 3). Hai vợ chồng tiến hành chuyển phôi trữ lần đầu vào ngày 31/7/2022 nhưng không may thất bại. Khó khăn chồng chất, anh chị hết hạn visa, phải làm thủ tục qua Malaysia 10 ngày rồi bay về Việt nam để chuyển phôi trữ lần 2 vào tháng 8/2022. Kỳ tích đã đến! Nước mắt đã rơi khi anh chị cầm trên tay kết quả Beta dương. Hai vợ chồng ở lại theo dõi thai đến 1 tháng mới trở về Mỹ”.
10 năm – Một hành trình thực sự rất dài, về cả thời gian và vị trí địa lý. Ba mẹ Hiba đã hạnh phúc tột cùng khi biết rằng cuối cùng con đã đến. Nhưng thử thách vẫn chưa dừng lại. Tháng 3/2023, khi khám thai định kỳ tại Mỹ, bác sĩ chẩn đoán bé bị tật tay chân ngắn và xương thuỷ tinh. Bệnh nhân lúc đó gọi điện về Việt Nam thông báo cho bác sĩ, bật khóc trong tuyệt vọng. Bác sĩ Lý Thiện Trung đã liên tục theo sát, động viên anh chị giữ vững niềm tin, tiếp tục theo dõi kỹ thai kỳ, kết hợp với bác sĩ nhi đánh giá tình trạng sức khỏe của bé sau khi sinh. Mặc dù các bác sĩ tại Mỹ đề nghị chọc ối để biết chính xác hơn khả năng dị tật của bé nhưng anh chị đã từ chối và quyết tâm sẽ giữ con với bất cứ giá nào, đợi ngày bé ra đời. Mỗi ngày qua đi là thêm một ngày hai vợ chồng thấp thỏm lo âu, ngày đêm cầu nguyện cho con được mạnh khỏe, bình an. Một người mẹ dẫu có mạnh mẽ đến nhường nào cũng không thể cầm được nước mắt khi hay tin em bé mà mình phải khó khăn lắm mới có được lại gặp nhiều vấn đề về sức khỏe. Và sau những tháng ngày tưởng chừng dài bất tận, cô bé Hiba bụ bẫm, đáng yêu, hoàn toàn khỏe mạnh đã cất tiếng khóc chào đời tại quê nhà. Đó chính là phần thưởng xứng đáng nhất cho sự quyết đoán, mạnh mẽ và tình yêu to lớn của ba mẹ dành cho con. Nhận được tin vui, các bác sĩ IVFMD cũng thấy ấm lòng hơn. Mừng cho con gái, mừng cho ba mẹ con và cho cả đội ngũ y bác sĩ Việt Nam. Khoảng cách địa lý dù xa vẫn không ngăn được những mối dây thâm tình này.
Qua câu chuyện cảm động về cô bé Hiba, IVFMD mong rằng sẽ truyền tải những thông điệp yêu thương và năng lượng tích cực đến với nhiều vợ chồng đang mong con trên thế giới. Từ nay, những người bạn quốc tế hoàn toàn có thể đặt niềm tin vào IVF Mỹ Đức khi muốn đến Việt Nam để làm thụ tinh ống nghiệm.