Không phải hạt giống tốt gieo xuống đất là sẽ nảy mầm,
Không phải một chiếc phôi tốt cứ chuyển vào tử cung là sẽ đậu thai.
Hạt giống nào cũng cần được chuẩn bị một mảnh đất nhiều dưỡng chất để nhanh chóng nảy mầm, những chiếc phôi bé xinh cũng cần “một chiếc tổ ấm” được chuẩn bị sẵn, trước khi được chuyển vào tử cung.
Trước khi chuyển phôi trữ, giai đoạn chuẩn bị nội mạc tử cung là giai đoạn rất quan trọng. Giai đoạn này các bác sĩ sẽ giúp ba mẹ, chuẩn bị cho bé phôi một môi trường phù hợp bên trong tử cung, để khi được chuyển vào, các bé phôi sẽ cảm thấy sự đồng bộ và có thể “thoải mái” phát triển.
Hiện nay, có nhiều phương pháp chuẩn bị nội mạc tử cung khác nhau, mỗi phương pháp có những ưu và nhược điểm riêng. Nhưng vẫn chưa có nghiên cứu nào đủ chứng cứ để kết luận phương pháp nào là ưu việt nhất.
Vì thế công trình khoa học về so sánh 3 phác đồ chuẩn bị nội mạc tử cung phổ biến nhất của Bệnh viện Mỹ Đức công bố trên tạp chí y khoa hàng đầu thế giới – The Lancet vào ngày 27/6 vừa qua, đã đem đến sự thay đổi thực tiễn lâm sàng theo hướng cá thể hóa, hướng tới mục tiêu tối ưu hoá hiệu quả và phù hợp hơn cho từng bệnh nhân khi thực hiện chuyển phôi trữ lạnh của y học hiện đại.
Các kết quả và hiểu biết sâu sắc về các vấn đề liên quan đến các phác đồ chuẩn bị nội mạc tử cung rút ra từ công trình nghiên cứu này, sẽ giúp cho các bác sĩ có thêm cơ sở trong việc lựa chọn phác đồ phù hợp cho từng đối tượng bệnh nhân. Đây cũng chính là điều Bệnh viện Mỹ Đức luôn quan tâm và hướng đến. Hơn 1 năm nay, bệnh nhân đến điều trị tại Bệnh viện Mỹ Đức đã bắt đầu hưởng lợi từ các hiểu biết mới, điều chỉnh phác đồ, đúc kết từ kết quả nghiên cứu này. Sau khi kết quả nghiên cứu được công bố trên tập san The Lancet, các kiến thức và hiểu biết mới của đề tài sẽ được lan tỏa trên toàn thế giới.
-IVFMD-
Fulfill your Hope