KHÁC BIỆT GIỮA THỤ TINH NHÂN TẠO VÀ THỤ TINH TRONG ỐNG NGHIỆM

Hiện nay, vô sinh hiếm muộn là một thực trạng đáng báo động ở tất cả các nước trên thế giới trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, với sự phát triển của khoa học, các kĩ thuật về hỗ trợ sinh sản (HTSS) ra đời với sứ mệnh giúp đỡ các cặp vợ chồng, hoặc những người phụ nữ mong muốn làm mẹ đơn thân có thể dễ dàng hơn trong việc hoàn thành ước mơ thiêng liêng của mình. IVFMD xin chia sẽ một số thông tin về hai phương pháp HTSS thường bị các chị em nhầm lẫn: phương pháp thụ tinh nhân tạo và thụ tinh trong ống nghiệm qua bài viết dưới đây.

Thụ tinh nhân tạo là gì?

Thụ tinh nhân tạo hay còn được gọi là bơm tinh trùng vào buồng tử cung hoặc IUI. Với phương pháp điều trị này, bạn sẽ được hẹn tái khám vào ngày 2-3 chu kỳ kinh, sau đó sẽ được chỉ định kích thích buồng trứng liên tục trong 9 ngày, khi nang trứng đạt kích cỡ > 17mm-18mm thì bạn sẽ được chỉ định gây phóng noãn. Đối với phương pháp thụ tinh nhân tạo, cả quá trình kích thích chỉ cần 1 đến 2 nang trứng phát tiển là đạt yêu cầu. Sau đó sẽ tiến hành bằng cách chọn lọc tinh trùng khỏe nhất của người chồng bơm vào buồng tử cung của người vợ ở thời điểm rụng trứng. Quá trình thụ thai sẽ diễn ra một cách bình thường và tự nhiên nhất.

Tuy nhiên việc lựa chọn phác đồ thụ tinh nhân tạo vẫn phải phụ thuộc vào đánh giá khả năng sinh sản vốn có của bạn mà cơ bản là những nguyên nhân dễ gặp như sau:

  • Vô sinh chưa rõ nguyên nhân.
  • Vô sinh liên quan đến lạc nội mạc tử cung.
  • Mẹ đơn thân.
  • Vô sinh nam
  • Yếu tố về rụng trứng

Tuy nhiên, với phương pháp thụ tinh nhân tạo thì hiệu quả thành công tương đối thấp, thông thường tỉ lệ thành cồng chỉ từ 10-15%, và còn phụ thuộc nhiều vào những nguyên nhân khác như độ tuổi, nguyên nhân hiếm muộn đến từ 2 vợ chồng…

Thụ tinh trong ống nghiệm là gì?

Thụ tinh trong ống nghiệm là biện pháp hỗ trợ sinh sản cho các cặp vợ chồng hiếm muộn bằng cách cho trứng và tinh trùng kết hợp ở ngoài cơ thể, đây là kĩ thuật đặc biệt giúp trứng kết hợp với tinh trùng ngay trong phòng thí nghiệm để tạo thành phôi, sau đó phôi sẽ được chuyển lại vào buồng tử cung của người phụ nữ.

Bạn sẽ tiến hành điều trị vào ngày 2-3 chu kỳ kinh, sau đó sẽ được tiêm kích thích buồng trứng liên tục từ 9-12 ngày, trong quá trình tiêm thuốc, bạn sẽ được hẹn lấy máu xét nghiệm và siêu âm kiểm tra nang trứng để điều chỉnh thuốc dựa trên đáp ứng của thuốc với cơ thể, khi nang trứng đạt kích cỡ 18mm- 20mm thì sẽ được chỉ định tiêm trưởng thành noãn từ 36h-40h bạn sẽ được chọc hút trứng, đồng thời cùng ngày lấy trứng sẽ lấy mẫu tinh trùng, chọn lọc những con tinh trùng tốt nhất để kết hợp thụ tinh. Sau 3-6 ngày nuôi cấy sẽ tạo thành phôi và đưa phôi vào buồng tử cung, quá trình làm tổ và thụ thai sẽ diễn ra một cách tự nhiên.

Quá trình thụ tinh trong ống nghiệm có thể thu được nhiều phôi. Số phôi này có thể được chuyển lại vào tử cung của người vợ, gọi là chuyển phôi tươi; cũng có thể được trữ lạnh, đó là phôi trữ và để sử dụng cho những lần chuyển phôi sau.

Cũng tương tự như thụ tinh nhân tạo, bạn sẽ có những chẩn đoán phù hợp cũng như điều kiện cần để làm phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm:

  • Tắc hai vòi trứng.
  • Lạc nội mạc tử cung.
  • Xin trứng.
  • Hiếm muộn không rõ nguyên nhân, bơm tinh trùng vào buồng tử cung nhiều lần nhưng thất bại.
  • Tinh trùng ít, yếu, xuất tinh ngược hoặc không xuất tinh.
  • Không tinh trùng trong tinh dịch (lấy tinh trùng bằng phẫu thuật mào tinh, tinh hoàn).

Có nhiều yếu tố quyết định đến kết quả với từng đối tượng nhất định vì tỷ lệ thành công còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau và thông thường sẽ từ 40-45%, khi lớn tuổi thì tỷ lệ thành công sẽ giảm xuống đáng kể, song song đó, nguyên nhân hiếm muộn cũng chiếm một phần quan trọng cho khả năng thành công của phương pháp điều trị này.

Nhìn chung phác đồ thụ tinh nhân tạo và thụ tinh trong ống nghiệm còn phụ thuộc khá nhiều vào nguyên nhân hiếm muộn của từng cặp vợ chồng, nhưng với mục đính chung là mang lại hạnh phúc cho những cặp vợ chồng đang mong mỏi có tiếng cười trẻ nhỏ. Hãy hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng đó khi bạn còn có thể làm tốt mọi thứ nhất.