Chỉ trong vòng 03 tháng đầu năm 2023, tờ báo hàng đầu của ngành Y học sinh sản Thế giới Fertility & Sterility (Hội Y học sinh sản Hoa Kỳ – ASRM) liên tục đăng tải 04 bài tổng quan về kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm không kích thích buồng trứng (IVM) do PGS. TS. Vương Thị Ngọc Lan, ThS. BS. Hồ Mạnh Tường cùng nhóm bác sĩ của Trung tâm Hỗ trợ sinh sản IVFMD (Bệnh viện Mỹ Đức) và Giáo sư Michel De Vos (VUB) – chuyên gia số 01 Châu Âu về kỹ thuật IVM – kết hợp biên soạn. Đây là một bước tiến quan trọng của lĩnh vực hỗ trợ sinh sản thế giới, giúp kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) an toàn hơn, giảm nguy cơ quá kích buồng trứng đồng thời rút ngắn thời gian và chi phí điều trị cho bệnh nhân.
04 bài tổng quan về kỹ thuật CAPA – IVM đăng tải trên tờ báo hàng đầu của ngành Y học sinh sản Thế giới Fertility & Sterility (Hội Y học sinh sản Hoa Kỳ – ASRM)
1. Ưu điểm vượt trội của CAPA – IVM
Trước đây, một liệu trình IVF mất khoảng 10 -12 ngày, sử dụng từ 15 -20 mũi thuốc để kích thích buồng trứng (KTBT), ngăn ngừa rụng trứng và gây trưởng thành noãn. KTBT có thể lấy được nhiều trứng trong một chu kỳ kinh của người phụ nữ nhưng có nhiều nguy cơ dẫn đến các biến chứng như gây đau, xoắn buồng trứng, thậm chí tử vong. Kỹ thuật TTTON không kích thích buồng trứng (viết tắt là CAPA – IVM) tại IVFMD Mỹ Đức giúp loại trừ nguy cơ bị quá kích buồng trứng. Bệnh nhân không cần dùng thuốc KTBT, hoặc dùng thuốc rất ít. Quy trình TTTON được rút xuống còn khoảng 8 ngày tính từ lúc đến bệnh viện đến khi có phôi, từ đó sẽ giảm được gần 50% chi phí khi thực hiện TTTON.
2. Xu hướng TTTON không kích thích buồng trứng trên thế giới
Xu hướng này đã được các nhà khoa học trên thế giới quan tâm và phát triển từ đầu thập niên 90, sau khi các nhà khoa học ở Hàn Quốc và Úc chứng minh việc TTTON bằng cách chọc hút trứng qua siêu âm từ buồng trứng các phụ nữ có hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) là đơn giản, an toàn, dễ thực hiện và có thể lấy đủ trứng để làm TTTON mà không cần phải KTBT. Kể từ đó, nhiều trung tâm TTTON trên thế giới đã tập trung nghiên cứu, phát triển và ứng dụng kỹ thuật TTTON không cần KTBT (gọi tắt là IVM).
Dù có nhiều ưu điểm nhưng kỹ thuật IVM chưa thực sự phát triển trong suốt 20 năm qua. Hạn chế lớn nhất của kỹ thuật này là quy trình xử lý và nuôi cấy trứng sau khi chọc hút từ các nang noãn nhỏ chưa mang lại hiệu quả cao, dẫn đến số phôi có được không nhiều và chất lượng phôi chưa tốt. Năm 2017, công trình khoa học của PGS. BS. Vương Thị Ngọc Lan và nhóm cộng sự đã tạo tiếng vang lớn trong cộng đồng y khoa thế giới khi đưa ra phác đồ mới với tên gọi CAPA-IVM. Theo kết quả nghiên cứu, phôi từ CAPA-IVM được chứng minh là có khả năng có thai gần tương đương với phôi lấy từ trứng sau KTBT. Do đó, có thể thực hiện TTTON mà không cần KTBT. Kỹ thuật này đặc biệt hiệu quả, an toàn với những phụ nữ có hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS).
3. CAPA-IVM đưa nền Y học Việt Nam nâng tầm thế giới
Theo ThS. BS. Hồ Mạnh Tường (Trưởng đơn vị Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Mỹ Đức):“Việt Nam hiện nay đang dẫn đầu thế giới về kỹ thuật xử lý và nuôi cấy trứng mới (CAPA – IVM). Kỹ thuật IVM theo kiểu cũ thành công ở Việt Nam từ năm 2007 và được áp dụng trong suốt 15 năm qua cho hàng ngàn trường hợp. Sau khi ý tưởng cải tiến của CAPA-IVM được báo cáo thành công đầu tiên tại đại học VUB của Bỉ, nhóm chuyên gia về IVM của Bệnh viện Mỹ Đức đã phối hợp với nhóm nghiên cứu của VUB để triển khai phác đồ CAPA-IVM cải tiến tại Việt Nam. Sau đó, hàng loạt các công bố khoa học quan trọng về hiệu quả của CAPA-IVM ở Việt Nam được đăng tải trên các tập san khoa học uy tín và báo cáo tại các hội nghị khoa học quốc tế. Kỹ thuật này đang được áp dụng tại hơn 10 nước trên thế giới, trong đó các phác đồ áp dụng CAPA-IVM ở Việt Nam là cho kết quả tốt nhất. Nhiều chuyên gia trên thế giới đã đến tìm hiểu phác đồ áp dụng CAPA-IVM hiệu quả của Việt Nam. Trung tâm IVFMD Mỹ Đức là đơn vị đầu tiên thực hiện kỹ thuật IVM. Từ năm 2007 đến nay, IVFMD đã thực hiện hơn 4200 ca IVM và là một trong những bệnh viện chiếm tỷ lệ điều trị IVM thành công cao nhất trên cả nước.”.
CAPA – IVM mở ra nhiều cơ hội cho các cặp vợ chồng mong con sớm đạt được kết quả trong khoảng thời gian ngắn nhất với chi phí điều trị chỉ bằng một nửa so với IVF nhưng hiệu quả mang lại là tương đương. Với 04 bài nghiên cứu mới nhất đăng trên tạp chí Fertility & Sterility về kỹ thuật CAPA – IVM, PGS. TS. Vương Thị Ngọc Lan và các cộng sự tại IVFMD Mỹ Đức đã có những đóng góp vượt bậc cho nền y học, làm tài liệu nghiên cứu và thực hành lâm sàng giá trị cho giới chuyên môn, đồng thời đưa tên tuổi của ngành Hỗ trợ sinh sản Việt Nam vươn tầm thế giới.
Bác sĩ tại Bỉ và Đan Mạch học về CAPA-IVM tại IVFMD Mỹ Đức
Fertility & Sterility là tạp chí quốc tế uy tín hàng đầu dành cho các bác sĩ Sản Phụ Khoa, bác sĩ nội tiết sinh sản, bác sĩ tiết niệu, các nhà khoa học đang nghiên cứu và điều trị vô sinh trên thế giới. Fertility & Sterility là nơi xuất bản nhiều công trình nghiên cứu khoa học quan trọng về nghiên cứu lâm sàng và phòng thí nghiệm liên quan đến nội tiết sinh sản, tiết niệu, nam khoa, sinh lý học, miễn dịch học, di truyền học, tránh thai và mãn kinh. Mỗi bài viết trước khi đăng tải trên tạp chí Fertility & Sterility đều trải qua nhiều vòng thẩm định, sàng lọc và phản biện của các chuyên gia hàng đầu thế giới về lĩnh vực y học sinh sản. Do đó, việc đứng tên là tác giả chính của một nghiên cứu lâm sàng về y khoa trên tạp chí này là điều vô cùng tự hào của các bác sĩ trên toàn thế giới. |