IVFMD TRIỂN KHAI KỸ THUẬT THỦY TINH HÓA MỚI GIÚP NÂNG TỶ LỆ PHÔI SỐNG SAU RÃ ĐÔNG ĐẠT 100%”

Trong các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản hiện nay, phương pháp tạo phôi và đông lạnh phôi được xem là một cuộc cách mạng trong ngành hỗ trợ sinh sản, giúp tối ưu hiệu quả điều trị của một chu kỳ điều trị thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON).

Đông lạnh phôi là gì? Vì sao cần đông lạnh phôi?

Phôi được tạo ra do sự kết hợp thành công giữa noãn và tinh trùng. Đông lạnh phôi hay còn gọi là bảo quản lạnh phôi là một quá trình làm đông lạnh và lưu trữ phôi để sử dụng sau này.

Đông lạnh phôi được tiến hành trong trường hợp chu kỳ điều trị không thể, không nên chuyển phôi tươi hoặc sau khi chuyển vẫn còn phôi dư và các phôi này đủ điều kiện đông lạnh. Thay vì loại bỏ ta có thể chọn trữ đông lại số phôi đó để sử dụng trong tương lai.

Những lợi ích của việc đông lạnh phôi?

Hiệu quả mang thai giữa phương pháp chuyển phôi tươi và chuyển phôi đông lạnh là tương đương nhau. Tuy nhiên, xu hướng điều trị hiếm muộn hiện nay thường ủng hộ kỹ thuật chuyển phôi đông lạnh hơn so với chuyển phôi tươi vì những ưu điểm như:

  • Giảm thiểu rủi ro mang thai của chu kỳ IVF chuyển phôi tươi như chuyển dạ sinh non, tiền sản giật và sinh con nhẹ cân.
  • Cho phép sàng lọc di truyền tiền làm tổ, tăng đáng kể cơ hội mang thai thành công và sinh ra trẻ khỏe mạnh.
  • Đông lạnh phôi rất có lợi trong các trường hợp cơ thể người phụ nữ chưa hồi phục do quá sợ hãi, lo lắng sau quá trình chọc hút trứng, tâm lý chưa ổn định…
  • Có thời gian để chuẩn bị lớp nội mạc tử cung hoàn hảo nhất, tạo điều kiện tối ưu để đón nhận phôi vào làm tổ.
  • Tăng cơ hội chuyển phôi nhiều lần với các phôi còn dư từ đó tăng tỷ lệ có thai tích lũy sau các lần chuyển phôi.
  • Phù hợp với các trường hợp không có chỉ định chuyển phôi tươi: Nhóm bệnh nhân có nguy cơ quá kích buồng trứng, ứ dịch buồng tử cung, nội mạc tử cung quá mỏng …
  • Hạn chế được số lần kích thích buồng trứng, giúp đảm bảo về mặt sức khỏe, có thêm thời gian chuẩn bị, thu xếp công việc, tiền bạc và cuộc sống.

 

Sức khỏe trẻ sinh ra từ phôi đông lạnh thế nào?

Hiện tại chưa có bằng chứng khoa học nào kết luận chuyển phôi đông lạnh tác động trực tiếp lên nguy cơ mắc các bệnh lý ảnh hưởng đến sự phát triển tâm thần vận động của trẻ sau sinh. Một vài số liệu cho thấy thai kỳ từ phôi đông lạnh có ít nguy cơ sinh non hơn và trẻ sinh ra ít nguy cơ nhẹ cân hơn so với các chu kỳ chuyển phôi tươi.

Phôi được đông lạnh bằng cách nào?

Hiện nay có hai phương pháp đông lạnh phôi đang được sử dụng phổ biến tại các trung tâm Hỗ trợ sinh sản đó là Đông lạnh chậm và Thủy tinh hóa:

  • Đông lạnh chậm: Phương pháp hạ nhiệt độ từ từ đưa tế bào từ nhiệt độ sinh lý xuống nhiệt độ thấp trước khi được lưu trữ trong nitơ lỏng. Phương pháp hạ nhiệt độ chậm có thể dẫn đến hình thành tinh thể nước đá bên trong tế bào khi nhiệt độ hạ từ -50oC đến -150o Đây là nguyên nhân chính gây vỡ màng trong suốt hoặc vỡ tế bào và dẫn đến thất bại.
  • Thủy tinh hóa: Phương pháp trữ lạnh đột ngột đưa phôi xuống nhiệt độ âm sâu. Vượt qua giai đoạn tạo tinh thể đá nhằm mục đích ngăn chặn hình thành tinh thể đá ở trong và ngoài mẫu phôi đông lạnh, giúp hạn chế tối đa tổn thương phôi. Hiện có 2 kỹ thuật thủy tinh hóa nổi tiếng trên thế giới do TS Kuwayama người Nhật Bản phát minh là Cryotop và Cryotec.

IVFMD triển khai kỹ thuật thủy tinh hóa mới Cryotec RtU

Với nỗ lực không ngừng tối ưu hiệu quả điều trị trong một chu kỳ TTTON, từ tháng 12.2023, hệ thống IVFMD chính thức triển khai kỹ thuật đông lạnh phôi Cryotec RtU. Đây là hệ thống thuỷ tinh hoá cải tiến hoàn chỉnh do Tiến sĩ Kuwayama người Nhật sáng chế từ phương pháp Cryotec cũ, để trữ lạnh phôi và noãn người. Hệ thống này đã được áp dụng và đưa vào sử dụng thường qui ở Nhật và mang lại hiệu quả cao.

Ưu điểm của kỹ thuật Cryotec RtU là mang lại tỷ lệ phôi sống sau rã đông đạt tuyệt đối 100%. Có thể thấy, với kỹ thuật Cryotec RtU các phôi có chất lượng kém trước trữ đông cũng được bảo quản hiệu quả so với các kỹ thuật thủy tinh hóa cũ.

Hệ thống IVFMD là nơi đầu tiên áp dụng hệ thống mới này tại Việt Nam nói riêng và trong khu vực ASEAN nói chung. IVFMD tiếp tục đi đầu ở Việt Nam và khu vực về nghiên cứu áp dụng công nghệ mới, để tăng tỉ lệ thành công cho các cặp vợ chồng hiếm muộn điều trị TTTON.