Thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) đã và đang được ứng dụng phổ biến trong điều trị hỗ trợ sinh sản. Trưởng thành noãn trong ống nghiệm (IVM) là một trong những kỹ thuật mới ra đời và đã được sử dụng trong hơn một phần tư thế kỷ qua. Hiện nay trên thế giới đã có trên 5000 em bé sinh ra từ kỹ thuật IVM. Tuy nhiên, IVM vẫn còn là một khái niệm mới mẻ với cộng đồng. Chúng ta hãy cùng IVFMD tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
Trưởng thành noãn trong ống nghiệm (IVM) là gì?
Trưởng thành noãn trong ống nghiệm (In Vitro Maturation – IVM) là một kỹ thuật điều trị hiếm muộn. Các noãn (trứng) chưa trưởng thành của người phụ nữ sẽ được chọc hút ra ngoài và nuôi cấy trong môi trường chuyên biệt cho đến khi trưởng thành. Các giai đoạn còn lại sau đó như tạo phôi, nuôi phôi, chuyển phôi và trữ phôi đều sẽ được tiến hành giống như kỹ thuật Tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI).
Quá trình thực hiện kỹ thuật IVM
Tùy theo số lượng và kích thước nang noãn mà bạn có trên siêu âm, bác sĩ sẽ chỉ định bạn có cần sử dụng thuốc tiêm kích thích buồng trứng nhẹ hay không. Sau đó, bác sĩ tiến hành chọc hút và thu nhận noãn từ buồng trứng.
Noãn sau khi chọc hút sẽ được nuôi trưởng thành trong môi trường chuyên biệt. Thời gian nuôi trưởng thành noãn trung bình là 1-2 ngày. Sau khi trưởng thành, noãn sẽ được kết hợp với tinh trùng để tạo thành phôi trong ống nghiệm. Phôi được nuôi cấy trong thời gian từ 2 – 5 ngày. Bạn có thể chuyển phôi trong cùng chu kỳ chọc hút noãn hoặc chuyển phôi đông lạnh tùy theo đánh giá của bác sĩ điều trị và chuyên viên phôi học.
Trường hợp nào nên thực hiện IVM?
IVM có thể áp dụng cho tất cả các cặp vợ chồng hoặc người phụ nữ hiếm muộn cần phải can thiệp kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Tuy nhiên, trên thực tế khi áp dụng IVM thì chỉ có một số nhóm phụ nữ được xem là phù hợp với kĩ thuật này.
- Nhóm thứ nhất là nhóm phụ nữ có hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS). Đây là nhóm có chỉ định chủ yếu của kỹ thuật IVM vì phụ nữ PCOS có nguy cơ quá kích buồng trứng cao.
- Nhóm thứ hai cũng được thực hiện IVM khá phổ biến là bệnh nhân có chu kỳ kinh nguyệt đều và buồng trứng không có hình ảnh đa nang.
Gần đây, IVM cũng được chỉ định trong các trường hợp khác như:
- Nhóm đáp ứng kém hoặc quá mức với thuốc kích thích buồng trứng.
- Nhóm phụ nữ bị ung thư cần bảo tồn khả năng sinh sản. Đây là nhóm phụ nữ rất nhạy cảm với nội tiết estrogen. Khi kích thích buồng trứng thông thường, nang trứng càng lớn sẽ tiết càng nhiều nội tiết estrogen, khiến tình trạng ung thư chuyển biến xấu hơn.
- Nhóm trường hợp hội chứng kháng gonadotropin. Ở nhóm phụ nữ này, dù đã tiêm thuốc kích thích buồng trứng kéo dài nhưng nang trứng vẫn không lớn. Thay vì hủy chu kỳ điều trị, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện IVM.
Ưu điểm và nhược điểm của kỹ thuật IVM
IVM là kỹ thuật điều trị hiếm muộn có nhiều ưu điểm như:
- Không tiêm kích thích buồng trứng hoặc chỉ tiêm kích thích buồng trứng nhẹ, ít ngày.
- Hạn chế được các biến chứng của thuốc kích thích buồng trứng, đặc biệt biến chứng quá kích buồng trứng.
- Giảm chi phí thuốc, số lần tiêm thuốc, số lần tái khám siêu âm, xét nghiệm nội tiết cũng so với kỹ thuật ICSI. Điều này giúp bạn tiết kiệm thời gian, chi phí cũng như đau đớn khi phải tiêm thuốc mỗi ngày và lấy máu định kỳ.
Mặc dù có ưu điểm ở nhiều mặt, nhưng rào cản lớn nhất khiến IVM là chưa được áp dụng rộng rãi là vì tỷ lệ thành công chưa cao. Trở ngại lớn nhất ảnh hưởng đến tỷ lệ thành công của IVM bao gồm:
- Kỹ thuật chọc hút noãn khó cho nang noãn có kích thước nhỏ, phải chọc hút bằng máy chuyên biệt.
- Số lượng noãn trưởng thành thu được ít.
- Tỷ lệ trưởng thành noãn kém do sự không đồng bộ trong quá trình phát triển của noãn.
Điều này đòi hỏi kỹ thuật chọc hút lấy noãn và kỹ thuật nuôi cấy của những chuyên gia có tay nghề cao. Và sau bao nỗ lực, các chuyên gia đã tìm ra cách để đồng bộ hóa sự trưởng thành của noãn, đó là sử dụng các môi trường nuôi cấy đặc biệt. Phương án này đã cho những kết quả khả quan hơn khi tỷ lệ thai lâm sàng cao (63,2%) và tỷ lệ trẻ sinh sống cao 50%.
Sự ra đời của các kỹ thuật điều trị hỗ trợ sinh sản hiện đại đã giúp các cặp vợ chồng có cơ hội đến gần với sứ mệnh làm cha mẹ. Nuôi trưởng thành noãn trong ống nghiệm sẽ đóng góp một phần công sức cho sứ mệnh ấy. Hy vọng với những chia sẻ của bài viết trên sẽ giúp các bạn có cái nhìn rõ hơn thêm về kỹ thuật này.