TẠI SAO THƯỜNG CHUYỂN PHÔI NGÀY 5 HƠN PHÔI NGÀY 3?

Chuyển phôi là giai đoạn mong chờ nhất của các cặp vợ chồng điều trị hiếm muộn. Tuy nhiên, rất nhiều bệnh nhân thắc mắc không biết nên chuyển phôi ngày 3 hay ngày 5 thì tốt hơn? Hiện nay, đa phần các bác sĩ tư vấn đều có xu hướng ưu tiên chuyển phôi ngày 5 hơn phôi ngày 3. Vậy liệu rằng phôi ngày 5 có mang lại tỉ lệ thành công cao hơn so với phôi ngày 3? Hãy cùng IVFMD tìm hiểu về vấn đề này nhé.

Phôi là gì?

Trong điều trị thụ tinh trong ống nghiệm, trứng của người vợ và tinh trùng của người chồng sẽ được lấy ra khỏi cơ thể và được kết hợp với nhau để tạo thành hợp tử. Sau đó, hợp tử được nuôi cấy đến ngày thứ 3 sau ngày chọc hút thì được gọi là phôi ngày 3, nuôi cấy đến ngày thứ 5 sau ngày chọc hút thì gọi là phôi ngày 5. Phôi sau đó sẽ được nuôi trong tủ cấy khoảng vài ngày trước khi chuyển vào tử cung của người mẹ.

Các giai đoạn phát triển của phôi 

Các giai đoạn phát triển của phôi

  • Giai đoạn tiền nhân (Ngày 0 – Ngày 1)

Các chuyên viên phôi học tiến hành kiểm tra xem trứng và tinh trùng đã kết hợp được với nhau hay chưa (kiểm tra thụ tinh) bằng cách kiểm tra sự hiện diện của hai tiền nhân nằm cạnh nhau sau khi ICSI (tiêm tinh trùng vào bào tương trứng) 16 – 18 giờ. Sau đó, hai tiền nhân kết hợp với nhau tạo thành bộ gen của phôi.

Giai đoạn tiền nhân (Ngày 0 – Ngày 1)

  • Giai đoạn phôi phân chia (Ngày 1 – Ngày 3)

Trong vài giờ tiếp theo, từ chỉ một tế bào ở giai đoạn thụ tinh, phôi bắt đầu phân chia thành 2 tế bào và cứ tiếp tục phân chia như vậy cho đến khi đạt khoảng 7-8 tế bào ở ngày 3 (khoảng 68-72h sau khi ICSI). Ở giai đoạn này, chất lượng phôi sẽ được đánh giá qua hình thái phôi, độ đồng đều của phôi bào, độ phân mảnh của phôi. Dựa vào kết quả đánh giá này để quyết định có nên nuôi tiếp phôi lên ngày 5 hay không.

Giai đoạn phôi phân chia (Ngày 1 – Ngày 3)

  • Giai đoạn phôi dâu (Ngày 3 – Ngày 4)

Sau thụ tinh khoảng 3 – 4 ngày, phôi bào phân chia thành 16 – 32 tế bào, các tế bào lớp ngoài của phôi liên kết chặt chẽ với nhau, phôi có hình dạng như quả dâu nên được gọi là phôi dâu. Ở giai đoạn này cũng bắt đầu xuất hiện các hốc dịch nhỏ ở phôi.

Giai đoạn phôi dâu (Ngày 3 – Ngày 4)

  • Giai đoạn phôi nang (Ngày 5 hoặc ngày 6)

Ở giai đoạn này, phôi xuất hiện một khoang chứa chất lỏng gọi là khoang phôi nang. Các tế bào của phôi bắt đầu biến đổi phân chia thành 2 phần: khối tế bào bên trong và lớp tế bào lá nuôi. Khối tế bào bên trong sẽ phát triển thành bào thai, còn lớp tế bào lá nuôi sẽ phát triển thành nhau thai sau này bám vào tử cung người mẹ để lấy chất dinh dưỡng cho thai phát triển.

Giai đoạn phôi nang (Ngày 5 hoặc ngày 6)

Tại sao thường chuyển phôi ngày 5 hơn ngày 3?

Thông thường, người ta có thể chuyển phôi giai đoạn ngày 3 hoặc ngày 5. Tuy nhiên, chuyển phôi ngày 5 có một số ưu điểm hơn, chẳng hạn như:

  • Tỷ lệ thành công cao hơn

Phôi ngày 5 có tiềm năng làm tổ cao hơn nhiều so với phôi ngày 3 do đã loại bỏ được phần lớn các bất thường ở phôi trong quá trình phát triển, từ đó chuyển phôi ngày 5 giúp tăng cơ hội có thai cho các vợ chồng hiếm muộn. Theo nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy tỷ lệ có thai ở nhóm chuyển phôi ngày 5 khoảng 60-70%, còn đối với nhóm chuyển phôi ngày 3 là khoảng 30-40%.

  • Giảm nguy cơ đa thai

Trong quá trình nuôi cấy phôi, chỉ khoảng 30-40% phôi ngày 3 có thể phát triển lên phôi ngày 5, nghĩa là có khoảng 60-70% phôi ngày 3 không có khả năng phát triển tiếp. Chính vì vậy rất khó để biết chính xác phôi ngày 3 nào có khả năng làm tổ cao. Nên đôi khi chúng ta phải chuyển nhiều lần mới có thể giúp bệnh nhân có thai và người ta thường chuyển nhiều hơn 1 phôi ngày 3 để tăng tỷ lệ thành công cho một lần chuyển. Vấn đề này có rất nhiều nguy cơ dẫn đến đa thai. Đa thai có thể gây sinh non hoặc nhiều biến chứng trong thai kỳ cho cả mẹ và bé. Vì thế, khi chuyển phôi ngày 5 có tiềm năng làm tổ cao thì số lượng phôi cần chuyển sẽ giảm đi. Phần lớn các trường hợp người mẹ chỉ cần chuyển một phôi ngày 5 đã đảm bảo khả năng đậu thai cao hơn so với chuyển phôi ngày 3. Từ đó, hạn chế nguy cơ đa thai và giảm các biến chứng thai kỳ do đa thai gây ra.

  • An toàn hơn khi xét nghiệm di truyền

Việc xét nghiệm di truyền phôi (PGT) để sàng lọc trước chuyển phôi giúp loại bỏ nguy cơ thai bị dị tật bẩm sinh do di truyền. Các chuyên gia y tế khuyến cáo không nên thực hiện  PGT đối với phôi ngày 3 mà chỉ nên thực hiện đối với phôi ngày 5. Vì để tiến hành sàng lọc cần sinh thiết lấy một vài tế bào của phôi đem đi xét nghiệm nên đối với phôi ngày 3 chỉ khoảng 7 – 8 tế bào có thể sẽ ảnh hưởng đến khả năng sống của phôi nhiều hơn so với phôi ngày 5 khoảng vài trăm tế bào.

  • An toàn hơn khi đông lạnh và rã phôi

Quá trình đông lạnh và rã đông đối với phôi ngày 5 không làm ảnh hưởng đến chất lượng phôi, tỷ lệ sống sau rã phôi đạt gần 100%.

  1. Một số trường hợp cân nhắc chuyển phôi ngày 3

Tuy việc chuyển phôi ngày 5 mang lại tỷ lệ thành công cao nhưng không phải trường hợp nào cũng được khuyến cáo nuôi phôi đến ngày 5. Quá trình nuôi phôi ngày 5 thực chất chỉ giúp sàng lọc được những phôi có tiềm năng đậu thai chứ không làm phôi tốt hơn. Do đó, việc nuôi cấy phôi dài ngày có thể làm giảm số lượng phôi, thậm chí không có phôi phát triển lên ngày 5. Chính vì vậy, những trường hợp ít phôi ngày 3 hoặc không phôi ngày 5 ở chu kỳ trước thì nên cân nhắc chuyển phôi ngày 3 để tăng cơ hội chuyển phôi cũng như tăng tỷ lệ mang thai cho bệnh nhân.

Tóm lại, việc chuyển phôi có thể thực hiện vào ngày 3 hoặc ngày 5 sau nuôi cấy. Mỗi phương án đều có lợi ích nhất định và việc có nên nuôi phôi ngày 5 hay không phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Hãy lắng nghe tư vấn của bác sĩ hoặc chuyên viên phôi học của bạn vào ngày 3 để giúp bạn đưa ra quyết định chính xác nhất. Sau cùng, mong rằng những chia sẻ trên giúp giải đáp hết thắc mắc về việc tại sao thường chuyển phôi ngày 5 hơn ngày 3.