Sau khi chuyển phôi có nên đi lại không? IVFMD sẽ hướng dẫn bạn những điều nên và không nên làm cùng một số lưu quan trọng sau khi thực hiện kỹ thuật này để bạn tham khảo, giúp cho phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm đạt được kết quả tốt nhất.
Chuyển phôi là gì?
Sau khi trải qua nhiều giai đoạn từ việc lấy noãn, giúp tinh trùng và noãn thụ tinh với nhau và tạo thành phôi. Giai đoạn quan trọng kế tiếp là đặt phôi vào lòng tử cung, khi đó, người vợ sẽ được hướng dẫn nằm ở tư thế phù hợp cho động tác chuyển phôi. Chuyên viên phôi học sẽ sử dụng một ống nhựa nhỏ (catheter) để hút phôi vào trong ống và trao cho Bác sĩ, sau đó, Bác sĩ đưa ống nhựa này vào trong lòng tử cung và đặt phôi nằm trong lòng tử cung. Khoảng 3-4 ngày kế tiếp phôi sẽ bám dính vào nội mạc tử cung để làm tổ. Sự làm tổ của phôi phụ thuộc chủ yếu vào chất lượng phôi và nội mạc tử cung tại điểm tiếp xúc với phôi, ít phụ thuộc vào các yếu tố tác động bên ngoài tử cung.
Sau khi chuyển phôi có nên đi lại không?
Chuyển phôi xong có nên đi lại không là câu hỏi mà IVFMD nhận được khá nhiều. Việc đi lại hoàn toàn không ảnh hưởng đến phôi thai cũng như khả năng thụ thai, sau khi chuyển phôi về, người vợ vẫn hoạt động như mọi ngày, vừa sức, nhưng không gây mệt. Ví dụ: mỗi ngày bạn làm việc văn phòng thì sau chuyển phôi bạn vẫn cứ đi làm như vậy. Nếu mỗi ngày bạn làm nội trợ, công việc nấu ăn không khiến bạn mệt, vậy thì hãy tiếp tục, đừng vì chuyển phôi rồi chỉ ngồi hoặc nằm yên một chỗ không làm việc gì. Nhưng nếu hàng ngày bạn phải khiêng vác nặng, phải dùng sức nhiều thì sau chuyển phôi nên hạn chế công việc lại.
Tại sao nên vận động sau chuyển phôi?
Gần đây có rất nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy nằm yên tại chỗ sau chuyển phôi có hại nhiều hơn là có lợi. Nhất là trong giai đoạn chuẩn bị để chuyển phôi, người vợ thường sử dụng thuốc để hỗ trợ nội tiết nên hàm lượng nội tiết trong cơ thể thường cao, bên cạnh đó cơ thể chúng ta cần phải hoạt động để duy trì sự tuần hoàn các mạch máu, việc nằm yên một chỗ hoặc hạn chế hoạt động có thể làm tăng nguy cơ tạo các khối máu tụ làm nghẽn mạch và dẫn đến nhiều hậu quả khác.
Sau chuyển phôi, người vợ sẽ trở về với sinh hoạt như thường ngày.
Nên và không nên làm gì sau chuyển phôi?
Sau khi chuyển phôi, có những điều nên và không nên người mẹ cần phải nắm rõ để tránh gặp phải những trường hợp rủi ro không mong muốn:
KHÔNG NÊN
- Không nên vận động mạnh như chạy, nhảy, tập yoga, làm các công việc nặng nhọc… Vận động mạnh có thể ảnh hưởng đến buồng trứng (trong trường hợp buồng trứng mới được kích thích, to lên nhiều) như gây xoắn, vỡ nang buồng trứng, hoặc gây sảy thai khi thai đã lớn.
- Không nên nằm yên một chỗ. Việc nằm yên một chỗ không tăng khả năng có thai, mà ngược lại có thể làm xuất hiện cục máu đông do nằm lâu, gây tắc mạch chi cực kỳ nguy hiểm.
NÊN
- Người vợ nên tiếp tục công việc làm, thoải mái sinh hoạt và thực hiện các hoạt động thư giãn yêu thích như đọc sách, xem tivi, giao tiếp bạn bè, đi mua sắm, xem phim…
- Tâm lý thoải mái, vui vẻ cũng giúp gia tăng hiệu quả điều trị.
Một số lưu ý cần biết sau khi chuyển phôi
Sau khi chuyển phôi về người vợ có thể vận động, sinh hoạt bình thường nhưng cũng có một số vấn đề cần lưu ý như:
- Kiêng quan hệ vợ chồng hoàn toàn để tránh kích thích co bóp tử cung ảnh hưởng đến phôi thai
- Hạn chế suy nghĩ quá nhiều sẽ tự tạo áp lực cho bản thân, đồng thời hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử.
- Dành thời gian xem phim, đọc sách để tinh thần thoải mái hơn.
Bên cạnh vận động sau chuyển phôi một cách nhẹ nhàng, hợp lý, giữ tâm lý thoải mái, bạn cũng hãy lưu ý phối hợp cùng phác đồ điều trị của Bác sĩ nghiêm túc để mang lại kết quả như mong muốn cho các cặp vợ chồng.