Hành trình điều trị hiếm muộn không bao giờ dễ dàng, chính vì vậy, những sự hỗ trợ, chia sẻ, động viên từ người thân trong suốt quá trình điều trị là cách tạo động lực, giúp người bệnh giảm bớt lo lắng và vượt qua những khó khăn, thử thách.
1. Xây dựng mạng lưới hỗ trợ của riêng bạn
Trò chuyện, trao đổi về hiếm muộn có thể khiến bạn không thoải mái, nhưng mà điều quan trọng mà bạn hướng tới là sự sẻ chia, động viên và hỗ trợ lẫn nhau.
2. Có nên chia sẻ khi đang điều trị hiếm muộn hay không?
Có thể điều bạn nghĩ đến đầu tiên là giữ kín những thông tin về quá trình điều trị hiếm muộn của mình. Điều đó có thể là lý do đưa đến sự căng thẳng và những sang chấn tâm lý. Bạn hy vọng tìm được một giải pháp nhanh chóng nhưng có thể chỉ nhận thấy sự bấp bênh. Có lẽ bạn muốn giữ mọi việc cho riêng mình đến khi bạn hiểu rõ tất cả. Nhưng có rất nhiều lý do để bạn cần sự hỗ trợ từ người khác.
2.1 Chia sẻ sẽ giúp quá trình điều trị trở nên nhẹ nhàng hơn
Việc điều trị hiếm muộn có thể làm bùng lên nhiều cảm xúc mạnh mẽ. Che giấu nỗi lo của mình có thể chỉ khiến bạn thấy nặng nề hơn. Trong khi đó, những người thân thiết xung quanh sẽ rất vui mừng nếu được chia sẻ, động viên và khích lệ bạn.
2.2 Chia sẻ cảm xúc với người thân có thể giúp hai vợ chồng bạn giảm bớt căng thẳng
Bạn đời của bạn sẽ cảm thấy dễ dàng hơn nếu họ không phải là lối thoát duy nhất cho những cảm xúc của bạn. Xét cho cùng, họ cũng phải trải qua rất nhiều khó khăn để đối diện mọi thứ.
2.3 Bạn sẽ nhận ra bạn không chỉ có một mình
Khoảng 1/10 các cặp vợ chồng khó khăn trong việc có con. Mỗi năm, có hàng triệu người phải điều trị hiếm muộn. Những bệnh nhân này có thể hỗ trợ bạn rất nhiều. Họ là những người đã hoặc đang điều trị như bạn, và sẵn lòng chia sẻ với bạn những gì họ đã trải qua.
2.4 Chuyên gia tư vấn có thể cung cấp những gợi ý thiết thực để giảm bớt căng thẳng
Bác sĩ hoặc các nhân viên tư vấn có thể giúp bạn nhận biết và giảm bớt căng thẳng. Bạn có thể đến gặp họ một mình hoặc cùng với vợ hay chồng của mình.
Hãy tận dụng hết những nguồn động viên khiến bạn cảm thấy thoải mái nhất. Mỗi nguồn động viên sẽ hỗ trợ bạn một cách khác nhau và rồi bạn sẽ tìm thấy điều phù hợp nhất với mình.
3. Trao đổi về hiếm muộn
Nếu chưa trải qua, bạn sẽ không thể nào hiểu hết được tất cả những khó khăn khi điều trị hiếm muộn. Những người xung quanh bạn có thể không biết phải nói gì và sợ làm bạn khó chịu. Dưới đây là một vài lời khuyên có thể có ích cho bạn.
3.1 Hai vợ chồng nên thỏa thuận với nhau muốn chia sẻ với ai và chia sẻ như thế nào
Hãy nói chuyện với bạn đời và thiết lập ranh giới riêng tư của vợ chồng bạn. Thống nhất rằng hai bạn muốn chia sẻ với ai và chia sẻ chi tiết đến mức nào. Chỉ nói những điều khiến bạn thực sự thoải mái.
3.2 Chuẩn bị sẵn một số câu trả lời
Điều này sẽ giúp bạn không bị một loạt các câu hỏi “bao vây”. Có một vài câu trả lời ngắn, bạn có thể chuẩn bị như “Chúng tôi sẽ báo cho bạn”, hoặc “Nếu có tin vui, bạn sẽ là một trong những người biết đầu tiên”. Những câu này sẽ giúp bạn không cần trả lời trực tiếp câu hỏi.
3.3 Điều chỉnh kỳ vọng của bạn
Bạn bè và gia đình là những người luôn quan tâm đến cảm xúc của bạn, mong muốn hỗ trợ bạn và khuyên bạn những điều đúng đắn. Đôi khi, những nỗ lực của họ có thể vụng về nhưng trên hết, nó chứng tỏ họ quan tâm, yêu thương bạn và muốn tốt cho bạn. Bạn hãy trân trọng điều đó.
4. Khuyến khích người khác hỗ trợ mình
Bạn tốt và người thân trong gia đình có thể làm bạn khuây khỏa và hỗ trợ bạn rất nhiều. Tuy nhiên, có thể họ khó mà biết chính xác bạn cần gì. Hãy suy nghĩ bạn mong đợi gì từ họ và cho họ biết.
4.1 Họ có thể hỗ trợ bạn như thế nào?
Một số bạn bè có thể lắng nghe, chia sẻ với bạn, một số khác có thể thích hợp cùng bạn tham gia các hoạt động giải trí khi bạn cần được thư giãn. Hãy suy nghĩ về những gì bạn mong đợi từ họ và cho họ biết.
4.2 Những gì bạn không muốn nói với họ?
Hiếm muộn là một chủ đề nhạy cảm và nhiều người có thể không biết phản ứng như thế nào trước tình huống đó. Một số có thể nghĩ rằng bạn cần lời khuyên và giải pháp. Những người khác có thể nghĩ bạn muốn chia sẻ cảm xúc, chia sẻ về việc điều trị mỗi khi gặp họ. Hãy chủ động dẫn dắt cuộc trò chuyện và giúp họ tránh những chủ đề có thể làm bạn tổn thương hoặc không thoải mái. Khi không sẵn sàng, hãy nói rằng bạn không muốn trò chuyện với cảm xúc nặng nề rồi chuyển sang chuyện khác như hỏi thăm họ.
4.3 Bạn muốn cùng họ làm gì?
Hãy lên trước một danh sách những hoạt động dự phòng để bạn không phải nhọc công suy nghĩ trong khi tâm trạng đang xuống dốc. Dành riêng một số ngày để đi dạo, đến phòng tập thể dục, ăn vặt, mua sắm hoặc xem phim.