nguyên nhân nam giới khó có con
Nguyên nhân nam giới khó có con

Nguyên nhân nam giới khó có con? Vô sinh nam là tình trạng ngày càng phổ biến, khiến nhiều nam giới tự ti, ảnh hướng đến hạnh phúc gia đình. Vô sinh nam có thể đến từ nhiều nguyên nhân như bệnh tật, chấn thương, lối sống… Hãy nhớ rằng bạn không phải là trường hợp cá biệt và hiếm muộn không phải là lỗi của riêng ai vì cứ 10 cặp vợ chồng lại có 1 cặp gặp khó khăn trong việc có con. 

Hiếm muộn nam được chẩn đoán là nguyên nhân chính trong khoảng 25% trường hợp và là nguyên nhân phụ trong 15-25% trường hợp còn lại. Ở nam giới, vấn đề quan trọng nhất ảnh hưởng đến khả năng sinh sản là sản xuất đủ tinh trùng với hình dạng bình thường và có khả năng di động. Dưới đây là một số nguyên nhân nam giới khó có con mà bạn cần biết

Quai bị

Quai bị là một bệnh truyền nhiễm cấp tính và do virus Paramyxovirus gây ra. Bệnh có thể lây trực tiếp từ người này sang người khác qua đường hô hấp và tiếp xúc giữa người lành với người bệnh.

Mắc bệnh quai bị sau tuổi dậy thì có thể gây hại cho các tế bào sản xuất tinh trùng trong tinh hoàn. Trong hầu hết trường hợp, chỉ một tinh hoàn bị ảnh hưởng. Một số trường hợp khác, người bệnh có thể vô sinh vĩnh viễn.

Các biến chứng của quai bị có thể gây ra vô sinh, cụ thể như viêm tinh hoàn. Trường hợp nặng có thể dẫn đến teo tinh hoàn và làm số lượng tinh trùng giảm đáng kể gây vô sinh. 

Giãn tĩnh mạch thừng tinh

Giãn tĩnh mạch thừng tinh là tình trạng tĩnh mạch xung quanh tinh hoàn bị giãn do máu không lưu thông bình thường ra khỏi tinh hoàn được.

Giãn tĩnh mạch thừng tinh có thể gây vô sinh bởi lý do khi đám rối tĩnh mạch tinh giãn, gây ra ứ trệ máu làm tăng nhiệt độ ở tinh hoàn. Từ đó dẫn đến sự hủy hoại tinh trùng của người đàn ông.

Nguyên nhân nam giới khó có con
Giãn tĩnh mạch thừng tinh là một trong những nguyên nhân có thể khiến nam giới khó có con.

Tinh hoàn ẩn – Nguyên nhân nam giới khó có con cần phải lưu ý 

Tinh hoàn ẩn là tình trạng trẻ sinh ra mà một hay cả hai tinh hoàn không di chuyển xuống bìu hay nằm ở vị trí khác ngoài bìu. Khi bé trai phát triển trong tử cung người mẹ, tinh hoàn được hình thành ở ổ bụng và di chuyển xuống bìu một thời gian ngắn trước khi sinh. Khi việc di chuyển này không xảy ra, bé trai sinh ra sẽ có tinh hoàn ẩn. Thông thường, tinh hoàn sẽ di chuyển xuống bìu vào tháng sáu của thai kỳ. 

Nếu không điều trị, tinh hoàn ẩn có thể ảnh hướng đến khả năng sinh sản hoặc dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như:

    • Thiểu tinh (oligospermia) là tình trạng sản xuất rất ít tinh trùng
    • Vô tinh (azoospermia) là tình trạng hoàn toàn không sản xuất tinh trùng

Ung thư tinh hoàn

Ung thư tinh hoàn đôi khi được phát hiện khi cặp vợ chồng đến khám hiếm muộn. Một khối u ác tính phát triển trong tinh hoàn có thể phá hủy mô tinh hoàn. Nếu không được phát hiện sớm, ung thư cũng có thể di căn đến các bộ phận khác của cơ thể.

Điều trị ung thư tinh hoàn có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nam giới. Chẳng hạn, hóa trị và xạ trị có thể làm giảm sản lượng tinh trùng hoặc làm giảm khả năng sống của tinh trùng, gây ra vô sinh. Tuy nhiên, nếu phát hiện và điều trị sớm, các tác động này có thể được giảm thiểu.

Ngoài ra, một số nam giới có thể gặp phải vô sinh do tinh hoàn không hoạt động hoặc mất tinh hoàn do ung thư tinh hoàn. Trong trường hợp này, các kỹ thuật điều trị hiếm muộn có thể được sử dụng để giúp cặp vợ chồng có con.

Tiểu đường

Bệnh tiểu đường có thể ảnh hưởng tới tinh trùng của bạn theo nhiều cách. Tiểu đường có thể gây bất lực ở nam giới hoặc gây khó thụ thai. Dưới đây là những ảnh hưởng của tiểu đường tới khả năng sinh sản của nam giới: 

    • Khi mức đường huyết cao sẽ gây ra những tổn thương cho ADN của tinh trùng.
    • Tiểu đường cũng làm ảnh hưởng tới số lượng tinh trùng, gây giảm số lượng và giảm khả năng di chuyển của tinh trùng.
    • Nếu tiểu đường không được kiểm soát có thể gây biến chứng mạch máu. Ảnh hưởng tới các mạch máu nhỏ tại vùng dương vật và các dây thần kinh từ đó dẫn tới rối loạn chức năng cương dương.
    • Giảm ham muốn tình dụng do giảm hàm lượng hormone testosterone, một loại hormone giúp kiểm soát ham muốn tình dục ở nam giới.

Phẫu thuật hay chấn thương

Có nhiều chấn thương liên quan đến cơ quan sinh sản của nam giới ảnh hưởng lớn đến khả năng sinh sản. Chấn thương tinh hoàn nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến khả năng sản xuất tinh trùng và dẫn đến vô sinh. Chấn thương do chơi thể thao hoặc tai nạn có thể làm máu không lưu thông đến tinh hoàn. Ngoài ra, phẫu thuật chữa trị tinh hoàn ẩn hoặc thoát vị có thể ảnh hưởng đến khả năng sản xuất tinh trùng của nam giới.

Bất thường mào tinh và đường dẫn tinh trùng

Ở một số ít nam giới, tinh dịch xuất vào âm đạo trong khi giao hợp không chứa tinh trùng. Điều này có thể là do tắc nghẽn hoặc dị tật mào tinh và đường dẫn tinh trùng, ngăn cản tinh trùng kết hợp với dịch lỏng tạo thành tinh dịch.

Nhiệt độ cao giảm khả năng sản xuất tinh trùng

Nam giới thường xuyên sống trong môi trường nhiệt độ cao cũng là nguyên nhân khiến nam giới khó có con, gây nguy cơ đáng kể đối với mô tinh hoàn, chất lượng tinh trùng và nguy cơ vô sinh. 

Nhiệt độ cao có thể là yếu tố bất lợi đến việc sản xuất tinh trùng. Ngâm mình trong nước nóng quá lâu, làm việc trong môi trường nóng, tiếp xúc nhiệt độ cao như làm bánh, đốt lò có thể làm tăng nhiệt độ tinh hoàn và làm suy yếu tạm thời khả năng sản xuất tinh trùng.

Căng thẳng, mệt mỏi hoặc uống rượu

Các yếu tố căng thẳng do làm việc quá sức, lo lắng và sử dụng thức uống có cồn, mệt mỏi do không nghỉ ngơi đúng cách ảnh hưởng tiêu cực đến ham muốn tình dục và chất lượng tinh trùng. Cho đến gần đây, hầu hết các trường hợp bất lực được cho là do yếu tố tâm lý. Tuy nhiên, hiện nay liệu pháp điều trị tâm lý đã được áp dụng và thành công rộng rãi.

Chủ động tìm hiểu những nguyên nhân vô sinh nam sẽ giúp các quý ông nhanh chóng ngăn ngừa cho bản thân và có biện pháp can thiệp nhanh chóng.  

Tham khảo “Mỗi bước là một bước gần hơn đến thành công” – HOSREM