Hiếm muộn là một tình trạng bệnh lý có thể gặp ở cả người vợ và chồng, nên việc không có con không phải hoàn toàn do người vợ như một số người vẫn nghĩ. Bài viết sẽ giải thích chi tiết nhất những nguyên nhân hiếm muộn và gợi ý một số phương pháp điều trị để bạn đọc tham khảo.
Triệu chứng hiếm muộn được xác định như thế nào?
Hiếm muộn có thể được xác định khi hai vợ chồng vẫn quan hệ đều đặn, hoàn toàn không sử dụng biện pháp tránh thai nhưng sau 6 tháng (đối với người vợ từ 35 tuổi trở lên) hoặc 12 tháng (đối với người vợ dưới 35 tuổi) mà vẫn chưa thể thụ thai tự nhiên.
Hiếm muộn có thể gặp ở người vợ hoặc người chồng. Đối với nguyên nhân gây bệnh vô sinh hiếm muộn sẽ được giải thích rõ hơn ở phần tiếp theo sau đây.
Những nguyên nhân vô sinh hiếm muộn
Các nguyên nhân gây hiếm muộn ở phụ nữ
1. Tuổi tác
Ngày nay, phụ nữ bắt đầu có khuynh hướng có con muộn, vì nhu cầu học tập, phát triển bản thân, thoải mái đi đây đi đó cũng như muốn độc lập hơn về nhiều mặt . Tuy nhiên, khả năng có thai sẽ giảm dần theo tuổi, do số lượng trứng ngày càng ít đi, chất lượng trứng cũng giảm dần. Phụ nữ sinh ra thiệt thòi hơn nam giới nhiều thứ, một trong số đó là không sản sinh được thêm trứng trong đời, phải chấp nhận số lượng trứng có được ngay từ lúc sinh ra. Vì vậy, càng lớn tuổi, khả năng có con càng giảm (sau 35 tuổi giảm với tốc độ cực kỳ nhanh). Từ 40 tuổi trở đi, buồng trứng của người phụ nữ giảm nhiều cả về số lượng lẫn chất lượng. Do đó, có thai khi lớn tuổi nguy cơ sảy thai, thai bất thường cũng tăng theo.
2. Rối loạn phóng noãn (rụng trứng)
Nguyên nhân này chiếm khoảng 25% các trường hợp hiếm muộn. Chiều dài của một chu kỳ kinh bình thường ở người phụ nữ khoảng 24 – 34 ngày. Nếu chu kỳ của bạn kéo dài hơn 45 ngày; hoặc thậm chí không có kinh, khả năng là liên quan đến yếu tố này. Một hội chứng thường được nhắc đến là buồng trứng đa nang (PCOS); tuy nhiên chuyện rối loạn phóng noãn có thể do rất nhiều nguyên nhân, không riêng gì PCOS. Siêu âm không phải là cách xác nhận bạn có bị PCOS hay không, nên không có kinh chỉ đi siêu âm sẽ không giải quyết được vấn đề, không cải thiện được khả năng có thai của bạn.
3. Bất thường ống dẫn trứng
Ống dẫn trứng là cầu nối dẫn “anh” tinh trùng đến gặp “nàng” trứng. Tổn thương ống dẫn trứng cản trở sự gặp gỡ này chiếm khoảng 35% các nguyên nhân hiếm muộn. Bạn có thể bị tổn thương ống dẫn trứng nếu từng viêm nhiễm đường sinh dục, mắc một số bệnh lý phụ khoa như lạc nội mạc tử cung v.v…
4. Bất thường ở tử cung, cổ tử cung
Nhóm nguyên nhân này không thường gặp, có thể do bẩm sinh hoặc từng can thiệp. Đơn cử một số bệnh lý thuộc nhóm này là u xơ tử cung, lạc tuyến cơ tử cung, các bất thường trong lòng tử cung… Tuy nhiên, không phải cứ mắc những bệnh kể trên là chắc chắn bạn sẽ không có con.
Về cổ tử cung (là phần thấp của tử cung, nối tử cung và âm đạo) có thể do những tổn thương có can thiệp (khoét chóp, đốt điện…) hoặc kháng thể kháng tinh trùng.
5. Bệnh lý buồng trứng
Một số bệnh lý buồng trứng có thể là nguyên nhân hiếm muộn ở nữ giới: suy buồng trứng, lạc nội mạc tử cung ở buồng trứng…
Các nguyên nhân hiếm muộn ở nam giới
Nguyên nhân gây hiếm muộn ở nam giới chủ yếu là do bất thường tinh trùng, nghĩa là tinh trùng yếu hoặc không có tinh trùng. Không có cách gì biết được chất lượng của tinh trùng ngoài tinh dịch đồ. Khả năng tình dục không nói lên được chất lượng tinh trùng. Vì vậy, trong các bước khám một cặp vợ chồng mong con, thể nào cũng có xét nghiệm tinh dịch đồ.
Các nguyên nhân bất thường do di truyền
Nghĩa là từ lúc sinh ra, vợ hoặc chồng hay cả hai đã mắc phải. Nguyên nhân này khiến vợ chồng bạn không thể có thai, hay khổ hơn là cứ có thai rồi lại sảy thai nhiều lần.
Nhóm hiếm muộn không rõ nguyên nhân
Đây có lẽ là điều khó giải thích nhất. Sau khi làm nhiều xét nghiệm theo yêu cầu, bác sĩ nói cả hai vợ chồng bình thường. Vậy tại sao không có thai? Thật ra, chắc chắn phải có trục trặc gì đó, nhưng với các phương pháp hiện tại không chẩn đoán được. Y học cũng còn nhiều điều chưa làm được, bạn hiểu vậy sẽ thấy dễ chấp nhận hơn.
Phương pháp điều trị vô sinh hiếm muộn
Với sự phát triển của y học và khoa học kỹ thuật hiện nay, đã có phương pháp hỗ trợ sinh sản, giúp điều trị tình trạng vô sinh hiếm muộn, giải tỏa nỗi lo cho các cặp vợ chồng như:
- Bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI).
- Thụ tinh nhân tạo:
Thụ tinh trong ống nghiệm cổ điển (IVF)
Thụ tinh trong ống nghiệm bằng kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI)
Chuyển phôi giai đoạn phôi nang – phôi ngày 5, hỗ trợ phôi thoát màng (AH).
- Trưởng thành noãn trong ống nghiệm (IVM).
- Trữ đông tinh trùng, noãn, phôi.
- …
Hiếm muộn xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân. Vì vậy, hai vợ chồng khi phát hiện có điều gì bất thường cần tìm đến cơ sở uy tín để được bác sĩ có chuyên môn thăm khám, tư vấn và tìm ra phương pháp điều trị phù hợp nhất.