Hiểu biết về những nguy cơ/biến chứng của thai kỳ song thai là cách giúp người mẹ chuẩn bị trước tâm lý cũng như có đủ kiến thức để sẵn sàng phối hợp với bác sĩ, tìm ra biện pháp can thiệp kịp thời.
Song thai là hiện tượng gì?
Song thai là hiện tượng có 2 thai trong tử cung. Song thai được xem là một biến chứng của thai kỳ hỗ trợ sinh sản (thai đôi IVF), do gây nhiều biến chứng cho mẹ, thai và trẻ sơ sinh sau này.
Nguy cơ/ biến chứng xảy ra đối với mẹ khi mang song thai
Nguy cơ đối với người mẹ trong thai kỳ
Trong thai kỳ, người mẹ mang song thai sẽ có khả năng gặp các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng cũng như khả năng sảy thai to/ sinh non:
- Nguy cơ sẩy thai và sinh non cao hơn ở những người mang song thai so với đơn thai.
- Tỉ lệ sinh non (<37 tuần) ở song thai chiếm hơn 50% so sánh với 10% ở thai kỳ đơn thai.
- Tiền sản giật/ sản giật: 15-20% phụ nữ mang song thai sẽ bị tiền sản giật, và tỉ lệ này cao hơn ở thai kỳ tam thai. Tình trạng bệnh có thể diễn tiến nặng và đe dọa sức khỏe của mẹ và bé. Nghiêm trọng, người mẹ có thể bị rối loạn đông máu, co giật, đột quỵ thậm chí đe dọa tính mạng mẹ và con.
- Người mẹ mang song thai có nguy cơ bị đái tháo đường thai kỳ cao hơn đơn thai.
Nguy cơ đối với người mẹ trong lúc sinh và sau sinh
- Tăng tỷ lệ mổ lấy thai.
- Nguy cơ băng huyết sau sinh cao hơn ở người mẹ mang song thai.
- Tỷ lệ tử vong mẹ cao hơn gấp 2 lần.
Ảnh hưởng tâm lý
Khi có con, bên cạnh niềm hạnh phúc được làm người cha, người mẹ, cặp vợ chồng còn phải đối mặt với những thử thách tâm lý, đặc biệt ở những người có con sinh đôi, áp lực chăm sóc con trẻ càng tăng lên.
Nhiều gia đình và bà mẹ có con sinh đôi phải chịu sức ép tâm lý rất lớn, đặc biệt những cặp làm cha mẹ lần đầu.
Trầm cảm thường xảy ra ở bà mẹ có con sinh đôi hơn là bà mẹ sinh đơn thai, không chỉ lúc sau sinh và còn trong những năm đầu. Cảm giác bị cô lập và mỏi mệt có thể là yếu tố góp phần làm nặng thêm tình trạng này.
Trước những áp lực chăm sóc con cái, những cặp cha mẹ có con sinh đôi thường gặp bất hòa nhiều hơn so với sinh đơn thai. Nhiều nghiên cứu cho kết quả cha mẹ sinh con đơn thai rất hài lòng về cuộc sống gia đình, cũng như tự tin hơn trong khi nuôi dạy con cái.
Ngoài ra, gánh nặng tài chính ở những gia đình sinh song thai có thể trở nên nặng nề. Chi phí chăm lo, nuôi dạy trẻ cũng như nhu cầu cuộc sống đều tăng. Nhất là ở những trẻ song thai sinh non, cần sự chăm sóc đặc biệt, gánh nặng về kinh tế – y tế rất lớn.
Nguy cơ có thể xảy ra với thai nhi
Thai đôi sinh non tháng
Trẻ sinh non tháng và nhẹ cân có nguy cơ cao gặp các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và khả năng tử vong. Trên 50% các thai kỳ song thai được sinh ra trước 37 tuần hay sớm hơn. Phổi, não, hệ tuần hoàn, hệ tiêu hóa, mắt có thể chưa hoàn chỉnh.
Ở giai đoạn đầu, sơ sinh non tháng có thể gặp các bệnh lý: suy hô hấp, xuất huyết não, nhiễm trùng, vàng da…Tỉ lệ tử vong trong vòng một năm sau sinh cao hơn. Trong số những trẻ sơ sinh non tháng tử vong, 50% là do suy hô hấp vì phổi chưa đủ trưởng thành, tổn thương não chịu trách nhiệm khoảng 10% các trường hợp. ¼ trẻ sơ sinh song thai cần sự chăm sóc y tế đặc biệt.
Dị tật bẩm sinh và thai chết lưu chiếm tỉ lệ khoảng 30% tử vong của thai kỳ song thai và đa thai. Một tỉ lệ nhỏ các cặp song thai sinh non sẽ gặp các vấn đề sức khỏe ảnh hưởng đến cả cuộc đời (bệnh lý về võng mạc, bại não…), chậm phát triển tâm thần và vận động, các vấn đề về ngôn ngữ…
Thai nhi phát triển bất thường
Đối với thai kỳ song thai, thai nhi có thể sẽ gặp phải nguy cơ chậm phát triển, phát triển bất thường, thai đôi nhưng 1 thai không phát triển. Vì vậy, khi có bất cứ dấu hiệu bất thường nào, mẹ cần phải đến cơ sở y tế để được thăm khám và theo dõi.
Thai nhi có chung một bánh rau
Hiện tượng thai đôi chung túi ối mặc dù hiếm khi xảy ra, nhưng lại ẩn chứa rất nhiều nguy cơ. Ngoài hội chứng truyền máu song thai, thai đôi có chung một bánh rau còn có thể gặp nguy cơ liên quan đến xoắn dây rốn. Nghĩa là dây rốn của thai nhi này sẽ bị quấn vào dây rốn hoặc bộ phận khác của thai nhi kia.
Thai nhi bị dị tật bẩm sinh
Em bé được sinh ra từ người mẹ mang thai đôi hoặc đa thai có nguy cơ bị dị tật bẩm sinh cao hơn bình thường.
Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng song thai và cách phòng ngừa
Song thai xảy ra có thể do các nguyên nhân sau:
- Có hơn một noãn rụng và thụ tinh với tinh trùng trong trường hợp kích thích buồng trứng kết hợp quan hệ tự nhiên hoặc bơm tinh trùng vào buồng tử cung.
- Chuyển nhiều hơn một phôi vào buồng tử cung để tăng tỉ lệ có thai.
- Chuyển một phôi vào buồng tử cung hoặc chỉ có một noãn rụng thụ tinh với tinh trùng nhưng phôi tách ra làm đôi, dẫn đến song thai cùng noãn.
Như vậy, để phòng ngừa song thai, cần kích thích buồng trứng có kiểm soát hoặc chỉ chuyển một phôi vào buồng tử cung.
Cách để có thai kỳ song thai khỏe mạnh
Thăm khám theo đúng chỉ định của bác sĩ
Khi mang thai, nhất là với trường hợp mang thai đôi hoặc đa thai, người mẹ cần đi khám thai định kỳ theo như chỉ định của bác sĩ. Nếu có gì bất thường, bác sĩ sẽ sớm phát hiện và đưa ra những lời khuyên cần thiết để ổn định sức khỏe và tinh thần của thai phụ. Đặc biệt vào khoảng thời gian 3 tháng cuối thai kỳ, thai phụ càng cần phải được theo dõi sát sao, chặt chẽ.
Chế độ ăn lành mạnh
Chế độ ăn uống là một trong những yếu tố có tác động lớn đến quá trình mang thai. Do đó, người mẹ nên xây dựng một kế hoạch ăn uống lành mạnh, nạp đủ chất theo từng giai đoạn để đảm bảo bé yêu phát triển ổn định. Nếu không có kinh nghiệm, bạn có thể nhờ bác sĩ tư vấn những loại thực phẩm nên và không nên ăn khi mang thai.
Uống đủ nước
Mất nước có thể sẽ dẫn tới sinh non, nhất là khi mang đa thai. Vì vậy, bạn cần cung cấp đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể trong một ngày. Mất nước có thể gây sinh non cho bất kì thai kì nào đặc biệt khi mang song thai. Vì vậy hãy đảm bảo cung cấp nước đầy đủ mỗi ngày.
Lời khuyên tốt nhất dành cho mẹ bầu đang mang thai đôi là nên tìm đến bác sĩ có kinh nghiệm, chuyên môn để được tư vấn, phân tích những nguy cơ, rủi ro và khó khăn có thể xảy ra để chuẩn bị sẵn sàng về mặt tâm lý, đồng thời nhận được sự an ủi, quan tâm và giúp đỡ từ những người thân yêu. Chúc bạn có một thai kỳ khỏe mạnh!