thụ tinh trong ống nghiệm cổ điển cIVF
Kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm cổ điển cIVF

Thụ tinh trong ống nghiệm cổ điển là gì?

Thụ tinh trong ống nghiệm cổ điển (conventional in vitro fertilization – cIVF) là kỹ thuật mà tinh trùng tự kết hợp với noãn để tạo ra phôi trong điều kiện phòng thí nghiệm, được mô phỏng tương tự như trong cơ thể người mẹ.

Kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm cổ điển diễn ra như thế nào?

Quy trình thực hiện kỹ thuật cIVF bao gồm các bước như sau:

  1. Chuẩn bị noãn: Sau khi kích thích buồng trứng, người vợ sẽ được chọc hút thu nhận các cụm noãn ra khỏi cơ thể. Các cụm noãn sẽ được nuôi trong đĩa cấy khoảng 2 giờ trước khi cho tiếp xúc với tinh trùng.
  2. Chuẩn bị tinh trùng: Mẫu tinh trùng của người chồng được lọc rửa nhằm thu nhận một lượng lớn tinh trùng di động tốt nhất.
  3. Nuôi cấy thụ tinh: Khoảng 50.000 tinh trùng di động sẽ được cho tiếp xúc với 1 đến 3 cụm noãn trong đĩa nuôi cấy khoảng 2 giờ nhằm giúp một tinh trùng tốt nhất sẽ tự xâm nhập vào mỗi noãn và thụ tinh với noãn giống như quá trình thụ thai tự nhiên.
  4. Nuôi cấy phôi sau thụ tinh: Noãn sau thụ tinh sẽ được nuôi cấy đến phôi ngày 3 hoặc ngày 5. Sau đó, khoảng 1 đến 2 phôi sẽ được chọn để chuyển vào tử cung của người vợ. Phôi còn dư (nếu có) sẽ được trữ đông để dành cho những lần chuyển phôi

 Kỹ thuật cIVF được chỉ định cho những trường hợp nào?

Kỹ thuật cIVF có thể áp dụng cho các cặp vợ chồng thụ tinh ống nghiệm với nguyên nhân vô sinh không do yếu tố nam. Nghĩa là người chồng có kết quả tinh dịch đồ bình thường theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới 2010 với mật độ >= 15 triệu tinh trùng/ml, tỉ lệ tinh trùng di động tiến tới  32%, hình dạng tinh trùng không mang bất thường nặng, đặc biệt là về thể cực đầu (acrosome). 

Đồng thời, người vợ chưa ghi nhận các bất thường liên quan đến chất lượng noãn trước đó. Kỹ thuật cIVF đặc biệt phù hợp với những cặp vợ chồng cần thụ tinh ống nghiệm mà trước đó đã từng có thai tự nhiên.

cIVF khác gì so với kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI)?

cIVF và ICSI là hai kỹ thuật cơ bản có thể áp dụng khi thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON). Với kỹ thuật cIVF, một tinh trùng tốt nhất sẽ tự xâm nhập vào mỗi noãn để thụ tinh theo cách giống chọn lọc tự nhiên diễn ra bên trong cơ thể. 

Trong khi đó, với kỹ thuật ICSI, chuyên viên phôi học sẽ chọn từng tinh trùng tốt trong mẫu sau lọc rửa và hút vào kim để tiêm vào từng noãn. Kỹ thuật ICSI là lựa chọn bắt buộc khi TTTON mà người chồng có tinh trùng với số lượng ít, di động yếu hoặc dị dạng nặng. Khi đó, tinh trùng không thể tự xâm nhập vào noãn mà phải được hỗ trợ tiêm vào noãn. 

Trường hợp người chồng có chất lượng tinh trùng tốt, kỹ thuật cIVF hoặc ICSI có thể cân nhắc áp dụng khi TTTON. Qui trình nuôi cấy phôi và sử dụng phôi tương tự nhau khi áp dụng kỹ thuật cIVF hoặc ICSI.

Kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm cổ điển cIVF
Kỹ thuật cIVF và ICSI.

Hiệu quả của kỹ thuật cIVF như thế nào?

Tại IVFMD, theo số liệu báo cáo trên 1.064 cặp vợ chồng điều trị thụ tinh ống nghiệm có tinh trùng với số lượng và độ di động bình thường thì tỉ lệ trẻ sinh sống đạt sau lần chuyển phôi đầu tiên không khác biệt có ý nghĩa thống kê khi áp dụng kỹ thuật cIVF so với tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI), cụ thể tỉ lệ trẻ sinh sống đạt 31% với cIVF và 35% với ICSI. Như vậy, áp dụng kỹ thuật cIVF ít xâm lấn và vẫn mang lại hiệu quả tương đương so với ICSI trên nhóm bệnh nhân phù hợp.

Khi được áp dụng kỹ thuật cIVF, nếu tinh trùng không tự xâm nhập được vào noãn thì chuyên viên phôi học sẽ chuyển sang áp dụng kỹ thuật ICSI để đảm bảo kết quả điều trị cho các cặp vợ chồng.

Bạn có thể được tư vấn kỹ hơn về kỹ thuật cIVF bởi các chuyên viên hỗ trợ sinh sản tại Đơn vị điều trị để chọn cách thụ tinh trong ống nghiệm thích hợp cho vợ chồng mình.

Tài liệu tham khảo

Dang, V. Q., Vuong, L. N., Luu, T. M., Pham, T. D., Ho, T. M., Ha, A. N., … & Mol, B. W. (2021). Intracytoplasmic sperm injection versus conventional in-vitro fertilisation in couples with infertility in whom the male partner has normal total sperm count and motility: an open-label, randomised controlled trial. The Lancet, 397(10284), 1554-1563.