Không có tinh trùng là bệnh gì? không có tinh trùng có con được không đang là vấn đề được nhiều nam giới quan tâm. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng này cũng như tìm ra phương pháp điều trị phù hợp.
1. Không có tinh trùng (vô tinh) là tình trạng gì ?
Vô tinh là tình trạng không có tinh trùng trong mẫu xuất tinh (xuất tinh không có tinh trùng), được xác định sau khi quay ly tâm mẫu ít nhất 2 lần, trong khoảng thời gian cách nhau 1 tháng. Tỉ lệ nam giới không có tinh trùng xấp xỉ 1%, chiếm khoảng 10-15% nguyên nhân gây vô sinh ở nam giới.
Vô tinh được chia ra làm 3 loại:
- Vô tinh trước tinh hoàn: bao gồm các bất thường nội tiết ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự sinh tinh (suy tinh hoàn thứ phát).
- Vô tinh tại tinh hoàn: suy tinh hoàn nguyên phát do yếu tố nội tại phát sinh tại tinh hoàn dẫn đến vô tinh.
- Vô tinh sau tinh hoàn: do rối loạn phóng tinh hay tình trạng tắc nghẽn ống dẫn tinh.
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây nên tình trạng vô tinh mà phương pháp điều trị sẽ khác nhau. Vậy nên các trường hợp vô tinh cần được đánh giá chính xác, toàn diện để có hướng điều trị thích hợp, tránh trường hợp điều trị chưa thỏa đáng, dẫn đến kéo dài thời gian mong con hoặc làm nặng thêm tình trạng vô tinh.
2. Nguyên nhân không có tinh trùng ở nam giới
Có hai nguyên nhân đàn ông không có tinh trùng chính, đó là:
2.1. Nguyên nhân không tắc nghẽn
- Các vấn đề liên quan đến vùng dưới đồi – tuyến yên. Khi các bệnh lý xảy ra ở vùng này, có thể gây rối loạn trong việc giải phóng và ức chế các nội tiết tố của tuyến yên. Nó có thể làm suy giảm sự phát triển và chức năng của tinh hoàn và giảm sản xuất tinh trùng.
- Một số bệnh di truyền, bao gồm các hội chứng bất thường về số lượng nhiễm sắc thể (như Hội chứng Klinefelter, Hội chứng Down, Hội chứng Noonan,…) hoặc cấu trúc nhiễm sắc thể (như Hội chứng Kallmann, mất đoạn nhiễm sắc thể Y, nhiễm sắc thể Y có 2 tâm động,…) cũng có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng không có tinh trùng.
- Vô tinh do nguyên nhân bắt nguồn từ tinh hoàn: không có tinh hoàn, tinh hoàn ẩn, tinh hoàn không sản xuất được tinh trùng sống, tinh hoàn không sản xuất được tinh trùng trưởng thành hoàn toàn, teo tinh hoàn sau khi bị quai bị,…
2.2. Nguyên nhân không có tinh trùng do tắc nghẽn
Nguyên nhân gây ra vô tinh thứ 2 là do sự xuất hiện các bế tắc tại nhiều vị trí khác nhau như ống dẫn tinh, ống phóng tinh, mào tinh, ống phóng tinh dẫn tới tinh trùng bị nghẽn lại.
3. Cách nhận biết đàn ông không có tinh trùng
Biểu hiện không có tinh trùng thường không rõ ràng và có thể bị bỏ qua cho đến khi người bệnh gặp khó khăn trong việc thụ thai. Bạn có thể tham khảo cách nhận biết vô tinh thông qua những triệu chứng sau:
- Thiếu ham muốn tình dục.
- Rối loạn cương dương.
- Có cảm giác khó chịu, sưng tấy hoặc cảm thấy khó chịu khu vực xung quanh tinh hoàn.
- Râu, lông ít hoặc không có
Lưu ý: không phải ai có dấu hiệu này cũng bị vô tinh, bạn cần tìm đến cơ sở uy tín khi thấy bất thường để được thăm khám và chẩn đoán bệnh chính xác nhất.
4. Hệ thống phân loại vô tinh được sử dụng trên lâm sàng
- Vô tinh bế tắc: sinh tinh bình thường, thể tích tinh hoàn và FSH thường nằm trong giới hạn bình thường.
- Vô tinh không bế tắc: được chia thành vô tinh không bế tắc trung tâm (FSH thấp, testosterone thấp hoặc bình thường và có tình trạng suy tinh hoàn) và vô tinh không bế tắc tại tinh hoàn (FSH tăng đáng kể, suy tinh hoàn).
Thụ tinh trong ống nghiệm phối hợp với phẫu thuật thu nhận tinh trùng sẽ là lựa chọn ưu tiên trong những trường hợp vô tinh bế tắc phức tạp, vô tinh không bế tắc hoặc có yếu tố vô sinh nữ kèm theo. Với kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI), dù chỉ có một số lượng hạn chế tinh trùng trong mẫu thu được từ phẫu thuật cũng đủ để thực hiện thành công chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm.
5. Bệnh không có tinh trùng có chữa được không? Phương pháp phẫu thuật thu nhận tinh trùng là gì?
Việc điều trị tình trạng vô tinh tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Trong đó, đối với các trường hợp người nam/người chồng không có tinh trùng trong tinh dịch nhưng tinh hoàn vẫn có khả năng tạo ra tinh trùng có thể thực hiện phẫu thuật thu nhận tinh trùng. Đây là phương pháp lấy tinh trùng thông qua phẫu thuật ở vị trí mào tinh hoàn hoặc tinh hoàn.
Sau khi được thu nhận, tinh trùng có thể được sử dụng để kết hợp ngay với noãn để tạo phôi hoặc được đông lạnh để sử dụng cho sau này. Về mặt kỹ thuật, tinh trùng có thể được thu nhận sau phẫu thuật ở hai vị trí, tùy theo từng trường hợp:
5.1. Lấy tinh trùng từ mào tinh hoàn
- MESA:
Là kỹ thuật rạch ngang da bìu phía mào tinh hoàn để mở các ống tuyến bên trong mào tinh hoàn nhằm tìm và thu tinh trùng. Kỹ thuật này được thực hiện khi tinh trùng được tạo ra bình thường trong tinh hoàn nhưng quá trình di chuyển của tinh trùng từ tinh hoàn ra bên ngoài khi xuất tinh bị tắc nghẽn.
- PESA:
Là kỹ thuật thu tinh trùng từ dịch hút được bằng cách dùng kim chọc xuyên qua da vào trong mào tinh hoàn. Kỹ thuật này chỉ được thực hiện đối với trường hợp người chồng hoàn toàn bình thường về khả năng sinh sản nhưng đã được thắt hoặc cắt ống dẫn tinh hay đã được chẩn đoán vô tinh do bế tắc ống dẫn tinh trước đó.
5.2. Lấy tinh trùng từ tinh hoàn
- TESA:
Là kỹ thuật thu tinh trùng từ dịch hút được bằng cách dùng kim chọc xuyên qua da vào mô tinh hoàn. Kỹ thuật này chỉ được thực hiện đối với trường hợp người chồng hoàn toàn bình thường về khả năng sinh tinh trùng nhưng đã được thắt hoặc cắt ống dẫn tinh trước đó hay không xuất tinh được. Tuy nhiên, khuyết điểm của kỹ thuật này là có nhiều khả năng không thu đủ số lượng tinh trùng để sử dụng cho việc tạo phôi.
- TESE:
Thu nhận tinh trùng bằng cách phẫu thuật lấy một phần nhỏ mô tinh hoàn. Kỹ thuật này ngoài thành công đối với các trường hợp vô tinh do tắc nghẽn mà còn thành công trong một số trường hợp vô tinh do rối loạn sinh tinh trùng, do suy tinh hoàn, do các yếu tố di truyền (bẩm sinh không có ống dẫn tinh hoặc bất thường nhiễm sắc thể giới tính như Klinefelter, đột biến vi mất đoạn trên nhiễm sắc thể giới tính Y – AZF), hay do không xuất tinh được.
6. Những trường hợp nào cần thực hiện phẫu thuật thu nhận tinh trùng?
Phẫu thuật thu nhận tinh trùng được thực hiện khi:
- Người nam trong tinh dịch không có tinh trùng nhưng vẫn có tinh trùng trong tinh hoàn
- Không có ống dẫn tinh một hay hai bên (CBAVD)
- Tắc ống dẫn tinh/mào tinh do viêm nhiễm
- Sau triệt sản nam
- Rối loạn xuất tinh
- Tinh hoàn giảm sinh tinh trùng do các nguyên nhân tại tinh hoàn như hội chứng Klinefelter, đột biến vi mất đoạn trên nhiễm sắc thể Y (AZF), biến chứng của quai bị tại tinh hoàn, điều trị hóa xạ trị….
Bác sĩ Mai Đức Tiến
Bác sĩ Võ Văn Cường