Một bào thai hình thành là kết quả của nhiều quá trình và yếu tố phức tạp. Khả năng sinh sản là một trong những yếu tố quan trọng mà bạn cần phải hiểu rõ để tránh những nhầm lẫn tai hại. Bài viết sẽ hướng dẫn bạn những cách kiểm tra khả năng sinh sản đồng thời giải đáp một số thắc mắc liên quan đến vấn đề này.
Những cách kiểm tra khả năng sinh sản cần biết
Trước khi yêu cầu kiểm tra khả năng sinh sản, thường bác sĩ sẽ yêu cầu hai vợ chồng cung cấp một số thông tin liên quan đến tiền sử quan hệ tình dục của cả hai. Sau đó, bạn và vợ/chồng mình sẽ được chỉ định thực hiện những xét nghiệm khả năng sinh sản, cụ thể như sau:
- Xét nghiệm kiểm tra khả năng sinh sản nam: Xét nghiệm phân tích tinh dịch.
- Xét nghiệm kiểm tra khả năng sinh sản nữ: Phương pháp Hysterosalpingogram (HSG), phẫu thuật nội soi.
- Thực hiện ở cả người vợ và người chồng: Kiểm tra hàm lượng hoocmon, siêu âm vùng chậu.
Một số nguy cơ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản
Đối với phụ nữ
Những nguy cơ có thể làm ảnh hưởng đến khả năng sinh sản ở nữ giới:
- Lạc nội mạc tử cung
- Hội chứng buồng trứng đa nang
- U xơ tử cung
- Nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục.
- Bệnh viêm vùng chậu, đã từng phẫu thuật vùng bụng hay vùng chậu
- Các ống dẫn trứng bị tắc nguyên nhân do nhiễm trùng, mang thai ngoài tử cung hoặc đã từng phẫu thuật.
Đối với nam giới
Những nguy cơ có thể làm ảnh hưởng đến khả năng sinh sản ở nam giới:
- Chấn thương tinh hoàn, u nang, ung thư
- Các vấn đề di truyền.
- Giãn tĩnh mạch khu vực quanh tinh hoàn
- Rối loạn nội tiết tố nam giới như suy giáp.
- Tinh hoàn bị ẩn khi còn nhỏ.
- Nhiễm virus quai bị sau giai đoạn tuổi dậy thì.
- Bị viêm, nhiễm trùng hoặc đã từng phẫu thuật gây ảnh hưởng đến việc vận chuyển tinh trùng.
- Nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục.
- Bệnh mãn tính, ví dụ: tiểu đường, ung thư hoặc bệnh tuyến giáp.
Giải đáp những thắc mắc liên quan đến khả năng sinh sản
1. Đàn ông có thể xuất tinh chứng tỏ họ có thể có con bình thường đúng không?
Thực tế: Đàn ông có thể có tinh trùng ít, di động yếu hoặc chất lượng kém nhưng vẫn có thể xuất tinh. Trong một số trường hợp, tinh dịch có thể hoàn toàn không chứa tinh trùng. Cách duy nhất để biết trong tinh dịch có chứa những gì là phân tích tinh dịch trong phòng xét nghiệm.
2. Có phải nguyên nhân hiếm muộn do vợ luôn nhiều hơn do chồng?
Thực tế: Nguyên nhân hiếm muộn do chồng và do vợ là tương đương nhau. Nguyên nhân hiếm muộn hoàn toàn do chồng chiếm khoảng 25% trường hợp và là yếu tố góp phần trong 15-25% những trường hợp còn lại.
3. Có nên cố gắng có thai cho đến 40 tuổi hay không?
Thực tế: Tuổi tác ảnh hưởng đến tỷ lệ thành công trong điều trị vô sinh cũng như khả năng có thai tự nhiên. Khả năng sinh sản sẽ giảm nhanh sau 35 tuổi. Ở độ tuổi 40, xác suất mang thai mỗi chu kỳ ở phụ nữ khỏe mạnh chỉ khoảng 5%. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy bất kể người vợ có sức khỏe tốt hay không, khả năng có thai sẽ giảm nếu người chồng trên 40 tuổi. Vì vậy, đừng trì hoãn quyết định điều trị để có cơ hội tốt nhất.
4. Điều trị hiếm muộn bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản có thể sinh đôi hoặc sinh ba có đúng không?
Thực tế: Đa số các cặp vợ chồng thành công với kỹ thuật hỗ trợ sinh sản sẽ sinh đơn thai. Tỷ lệ đa thai khi điều trị hỗ trợ sinh sản cao hơn trung bình, nhưng có thể giảm thiểu được. Hiện nay, trung bình, 21% thai kỳ IVF và ICSI là sinh đôi và 1% là sinh ba. Điều này chủ yếu là do bệnh nhân được chuyển nhiều phôi vào buồng tử cung để tăng cơ hội có thai. Nếu có bất kỳ lo âu nào về vấn đề này, bạn hãy mạnh dạn trình bày với bác sĩ và thảo luận về các biện pháp làm giảm tỷ lệ đa thai khi lựa chọn điều trị.
5. Khi đã có một con, chắc chắn sẽ có con thứ hai có phải không?
Thực tế: Đúng là nếu đã từng sinh con, bạn có thể lạc quan hơn, nhưng mọi thứ đều có thể thay đổi. Một số cặp vợ chồng được chẩn đoán hiếm muộn thứ phát, tức là hiếm muộn mặc dù đã một lần mang thai thành công.
6. Có phải kỹ thuật hỗ trợ sinh sản là đi ngược lại tự nhiên?
Thực tế: Khả năng thụ thai để hình thành một đứa trẻ là điều tự nhiên nhất của loài người. Điều trị hỗ trợ sinh sản là cố gắng loại bỏ hoặc vượt qua tất cả rào cản gây khó khăn cho việc thụ thai và để tự nhiên làm phần còn lại. Phôi làm tổ và thai nhi phát triển như bình thường trong tử cung.