LÀM SAO ĐỂ ĐẬU THAI KHI Ứ DỊCH BUỒNG TỬ CUNG KHÔNG RÕ NGUYÊN NHÂN?
“Không đậu thai, không rõ nguyên nhân!” – đây chắc chắn là điều khiến rất nhiều cặp vợ chồng cảm thấy bất lực khi đang trên đoạn hành trình tìm con. Kết luận này giống như cảm giác anh chị cầm một tấm bản đồ đi tìm kho báu trên tay, cần đi từ điểm A qua B để đến đích tại C nhưng đoạn đường từ B đến C thì bị rách mất.
Cụ thể nhất là trường hợp của gia đình chị C – bệnh nhân đến của BS. Nguyễn Thành Nam đến từ Thanh Hoá xa xôi. Chị C có bệnh sử vô cùng phức tạp, với 1 lần bơm tinh trùng vào buồng tử cung thất bại năm 2020. Ba năm sau, không muốn từ bỏ hy vọng cuối cùng đưa con đến với mình, chị quyết định làm thụ tinh trong ống nghiệm vì trứng của chị cũng không còn nhiều (AMH chỉ còn 1,6 ng/mL). Trong chu kỳ đầu tiên, chị chỉ chọc hút được 5 trứng, tạo được 2 phôi và chuyển hết trong 1 lần nhưng thất bại. Để tiết kiệm chi phí cũng như giảm bớt áp lực chuyển phôi, chu kỳ thứ hai chị gom trứng nhiều lần để có nhiều trứng hơn rồi tạo phôi một lần. Sau 2 chu kỳ chọc hút chị có được tổng cộng 13 trứng tạo được 4 phôi ngày 5.
Tháng 4/2024, chị C bắt đầu bước vào giai đoạn chuẩn bị nội mạc tử cung để chuyển phôi lại. Chuẩn bị nội mạc tử cung, hiểu nôm na là chuẩn bị ngôi nhà để chào đón bé phôi vào làm tổ. Nhiều khi “ngôi nhà” nhỏ ấy chật hẹp vì có u xơ hay polyp trong tử cung, khiến bé phôi không có không gian để phát triển. Có khi vách “ngôi nhà” quá mỏng manh, yếu ớt, đến mức không đủ sức để bảo vệ và cung cấp dưỡng chất cho bé phôi bé bỏng của mẹ. Vì thế nên giai đoạn đoạn chuẩn bị này rất quan trọng, quyết định rất nhiều đến việc các bé phôi có ở lại với ba mẹ hay không.
Khi nhìn lại toàn bộ quá trình điều trị của chị C, BS. Nam chia sẻ: “Mình nhận thấy tử cung của chị có một đặc điểm rất lạ là buồng tử cung lúc nào cũng bị ứ dịch. Tuy nhiên, lúc mình tiến hành kiểm tra toàn bộ tử cung, vòi trứng của chị để tìm nguyên nhân, thì tất cả đều bình thường. Chị cũng chưa từng có thai trước đây, không có nguyên nhân ứ dịch từ sẹo mổ cũ, vậy mà tử cung luôn ứ dịch rất nhiều, có lần lên tới hơn 10mm! Điều này đã khiến mình phải suy nghĩ nhiều hơn vì không có sách vở, phác đồ, hay hướng dẫn thực tế nào cho trường hợp của chị.”
May thay, với kinh nghiệm tham gia vào công trình khoa học công bố trên tạp chí Y khoa hàng đầu The Lancet về “So sánh các cách chuẩn bị nội mạc tử cung” của bệnh viện Mỹ Đức, BS. Nam đã nhạy bén nhận thấy dịch tử cung thường xuất hiện vào những ngày nội tiết trong cơ thể chị tăng cao. Thế là không chần chừ, BS. Nam quyết định thay đổi cách chuẩn bị nội mạc tử cung, dùng liều lượng chỉ bằng một nửa so với lần chuyển phôi trước đó. Kết hợp theo dõi thật sát trên siêu âm. Kết quả, lần tái khám đầu tiên của chị, nội mạc tử cung đã giảm ứ dịch chỉ còn 5mm. Tiếp tục kiên trì thêm một lần nữa, lúc này nội mạc tử cung của chị ứ dịch ít hơn, chỉ còn 3mm, BS. Nam mới quyết định để chị chuyển phôi, vì không còn cách nào khác cả.
Đứng giữa sự chờ đợi trong hồi hộp, cả BS. Nam và chị đều lắng lo không biết kết quả lần chuyển này có đậu thai hay không. Nhưng may mắn đã gọi tên cho chị C, chị đã có thai! Tính đến nay thai kỳ được hơn 5 tháng, trộm vía bé và mẹ đều ổn.
Bởi vì thế nên chuẩn bị nội mạc tử cung là giai đoạn quan trọng, không phải chỉ chọn lựa 1 trong 3 phương thức thông thường, mà người bác sĩ còn cần phải tìm ra phương thức riêng biệt phù hợp cho từng bệnh nhân. Và để thực hiện được điều này thì chỉ những nơi có đội ngũ y tế có kinh nghiệm lâu năm, đi đầu về các công trình khoa học mới có thể tháo gỡ những nút thắt khó khăn giúp các cặp vợ chồng nhanh chóng đón được thiên thần của mình!