Thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) là một kỹ thuật hỗ trợ sinh sản chuyên sâu, tốn kém và căng thẳng. Có nhiều câu hỏi được đặt ra liên quan đến chế độ sinh hoạt và cuộc sống sau khi chuyển phôi bao gồm: nghỉ ngơi tại giường, quan hệ vợ chồng, chơi thể thao và công việc sau chuyển phôi. Hãy cùng IVFMD tìm hiểu và đưa ra câu trả lời chính xác, khoa học cho các câu hỏi trên nhé!
Có nên nằm nghỉ tại giường sau khi chuyển phôi?
Thời gian đầu khi TTTON mới ra đời, việc nằm nghỉ tại giường sau chuyển phôi là một phần trong thực hành điều trị. Sau đó, nhiều nghiên cứu đã được tiến hành nhằm đánh giá hiệu quả của việc nằm nghỉ tại giường sau chuyển phôi. Kết quả từ các nghiên cứu này cho thấy, không có sự khác biệt nào về kết quả điều trị ở hai nhóm có và không có nằm nghỉ tại giường sau chuyển phôi. Điều này có thể được hiểu được thông qua cơ chế làm tổ của phôi. Thứ nhất “khoang” nội mạc tử cung không phải là một khoảng trống thực sự mà là một “khoang ảo”. Sau khi phôi được chuyển vào buồng tử cung, nội mạc tử cung thành trước và thành sau ngay lập tức sẽ áp sát vào nhau. Thứ hai, các nghiên cứu sử dụng siêu âm để theo dõi “giọt môi trường chứa phôi” sau chuyển phôi cũng không ghi nhận bất cứ ảnh hưởng nào của trọng lực lên “giọt môi trường chứa phôi” này. Do đó, sẽ không xảy ra việc “rơi” phôi ra ngoài như suy nghĩ của nhiều người đâu nhé. Ngoài ra, tư thế của tử cung (ngã trước, ngã sau, trung gian) cũng sẽ không liên quan đến việc phôi thai làm tổ cũng như sự phát triển của phôi thai sau này.
Như vậy, việc đứng dậy, đi lại hay thay đổi tư thế đều không làm ảnh hưởng đến vị trí của phôi trong buồng tử cung. Việc nằm nghỉ sau khi chuyển phôi không những không giúp cải thiện tỉ lệ thành công mà ngược lại càng làm tăng gánh nặng về mặt tâm lý cho các bạn. Hơn nữa, việc nằm nhiều còn làm tăng nguy cơ thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch, tức là tạo cục máu đông tại các mạch máu. Đây là một biến chứng cần phải nằm viện điều trị tốn kém về cả chi phí là thời gian. Thế nên, đi lại thoải mái sau khi chuyển phôi vẫn luôn được các bác sĩ khuyến khích.
Có nên quan hệ vợ chồng sau khi chuyển phôi?
Nhiều phụ nữ thường lo ngại việc quan hệ vợ chồng sau khi chuyển phôi có thể cản trở sự làm tổ của phôi, phôi sẽ bị đẩy ra ngoài khi họ có các cơn co thắt tử cung. Tuy nhiên, kết quả từ các nghiên cứu lại cho thấy có sự cải thiện đáng kể về tỷ lệ làm tổ của phôi ở những phụ nữ có giao hợp trong vòng 2 ngày sau khi chuyển phôi. Việc giao hợp sau chuyển phôi được cho rằng có thể bổ sung thêm các chất hỗ trợ về mặt miễn dịch cho phôi trong quá trình phôi làm tổ. Tuy nhiên, việc quan hệ vợ chồng cần được hạn chế nếu kích thước buồng trứng của người vợ còn lớn. Vì như vậy sẽ làm tăng nguy cơ xoắn buồng trứng hoặc vỡ nang xuất huyết sau chọc hút. Ngoài ra, dù rất ít khi xảy ra, việc quan hệ tình dục sau chuyển phôi có thể dẫn đến tình trạng đa thai do có sự hiện diện của thai kỳ tự nhiên bên cạnh thai kỳ TTTON.
Do đó, các cặp vợ chồng vẫn có thể sinh hoạt tình dục bình thường sau khi chuyển phôi với điều kiện người vợ không gặp phải tình trạng khó chịu vùng chậu liên quan đến kích thước lớn của buồng trứng.
Có nên hoạt động thể chất sau khi chuyển phôi?
Nhiều phụ nữ lo ngại rằng tập thể dục với cường độ cao sau khi chuyển phôi có thể cản trở việc phôi làm tổ thành công. Hiện tại, vẫn còn ít thông tin liên quan đến sự an toàn của việc tập luyện thể dục sau khi chuyển phôi. Có nghiên cứu cho thấy rằng tập thể dục theo kiểu bài tập gắng sức như chạy bộ, nhảy dây,…với tổng thời gian hơn 4 giờ mỗi tuần sẽ làm giảm khả năng thành công và tăng nguy cơ sẩy thai hớn so với nhóm không tập thể dục hoặc tập luyện nhẹ nhàng ít hơn 4 giờ mỗi tuần.
Như vậy, các bạn nên hạn chết tập các bài tập có cường độ cao trong thời gian dài. Thay vào đó, đi bộ nhẹ nhàng 30 phút mỗi ngày hoặc các bài tập hít thở sẽ phù hợp với các bạn hơn.
Có nên quay trở lại công việc sau khi chuyển phôi?
Một số phụ nữ khi điều trị TTTON sẽ sắp xếp ngừng làm việc một thời gian vì nghĩ rằng như vậy sẽ mang lại kết quả tốt hơn sau khi chuyển phôi. Mặc dù vẫn còn nhiều tranh cãi nhưng bằng chứng cho thấy mức độ lo lắng và căng thẳng gia tăng trong quá trình điều trị có thể ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả.
Nếu môi trường làm việc của bạn quá căng thẳng hoặc phải tiếp xúc với các tác nhân gây độc hại (hóa chất, chiếu xạ,…) thì bạn nên tạm dừng công việc. Tuy nhiên, nếu công việc của bạn không quá áp lực, hãy tiếp tục công việc của mình nhé. Bởi thay vì ở nhà và lo lắng về kết quả điều trị, việc đi làm, trò chuyện với đồng nghiệp sẽ giúp bạn vui vẻ và thoải mái hơn.
IVFMD hiểu rằng đối với các bạn điều trị TTTON, hầu như ai cũng đều trải qua các cung bậc cảm xúc lo lắng, căng thẳng, hoang mang, thậm chí là sợ hãi. Và với các bằng chứng, khuyến cáo được đề cặp bên trên, IVFMD hy vọng có thể giúp các bạn phần nào vơi bớt những gánh nặng tâm lý, cảm thấy tự tin và thoải mái hơn trong quá trình tìm kiếm đứa con thương yêu của mình nhé.