THỤ TINH TRONG ỐNG NGHIỆM KHÔNG CẦN KÍCH THÍCH BUỒNG TRỨNG (CAPA-IVM)

CAPA-IVM là một trong các kỹ thuật điều trị vô sinh, trong đó việc kích thích buồng trứng là hoàn toàn không cần thiết. Trong thời gian rất ngắn, các noãn nhỏ chưa trưởng thành của người phụ nữ sẽ được lấy ra ngoài, nuôi trưởng thành trong ống nghiệm, sau đó cho thụ tinh với tinh trùng và tạo thành phôi.

CAPA-IVM là gì?

CAPA-IVM (CAPA in vitro maturation) là kết quả của một công trình nghiên cứu khoa học hợp tác của Việt Nam và Bỉ, là kỹ thuật cải tiến từ phương pháp nuôi trưởng thành noãn non trong ống nghiệm (IVM – in vitro maturation). Với CAPA – IVM, việc kích thích buồng trứng là hoàn toàn không cần thiết hay chỉ cần kích thích nhẹ với liều thấp và trong thời gian ngắn, do đó nguy cơ quá kích buồng trứng hoàn toàn không xảy ra. Tuy nhiên, CAPA-IVM vẫn còn là một khái niệm mới mẻ vì vậy bạn hãy cùng IVFMD xem bài viết này nhé!

1. Quá trình thực hiện kỹ thuật CAPA-IVM

Đối với các cặp vợ chồng có chỉ định thụ tinh trong ống nghiệm, người vợ có buồng trứng đa nang đã được thăm khám, thực hiện đầy đủ các xét nghiệm tại IVF Mỹ Đức, được bác sĩ xác định đủ điều kiện làm thụ tinh trong ống nghiệm không cần kích thích buồng trứng thì sẽ tiến hành điều trị ngay mà không cần mất thời gian chờ đợi. Người vợ sẽ được chỉ định tiêm 02 mũi thuốc chuẩn bị hoặc không cần tiêm mũi thuốc nào, sau đó bác sĩ hẹn ngày đến bệnh viện để chọc hút trứng.

Noãn sau khi chọc hút sẽ được nuôi trưởng thành trong môi trường chuyên biệt. Thời gian nuôi trưởng thành noãn trung bình là 1-2 ngày. Sau khi trưởng thành, noãn sẽ được kết hợp với tinh trùng để tạo thành phôi trong ống nghiệm. Phôi được nuôi cấy trong thời gian từ 2-5 ngày. Bạn có thể chuyển phôi tươi trong cùng chu kỳ chọc hút noãn hoặc chuyển phôi đông lạnh tùy theo đánh giá của bác sĩ điều trị và chuyên viên phôi học.

 

2. Trường hợp nào nên thực hiện kỹ thuật CAPA IVM?

Về lý thuyết, CAPA-IVM có thể áp dụng cho tất cả các cặp vợ chồng hoặc người phụ nữ hiếm muộn cần phải can thiệp kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Tuy nhiên, trên thực tế khi áp dụng CAPA-IVM thì chỉ có một số nhóm phụ nữ được xem là phù hợp với kĩ thuật này:

  • Nhóm bệnh nhân bị hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS): Đây là đối tượng có nhiều nguy cơ biến chứng khi kích thích buồng trứng (KTBT) nên CAPA – IVM là giải pháp điều trị hiệu quả và an toàn nhất.
  • Phụ nữ có số nang buồng trứng bình thường nhưng đề kháng với thuốc KTBT nên KTBT không hiệu quả.
  • Các trường hợp bệnh nhân cần bảo tồn khả năng sinh sản để điều trị ung thư hoặc bệnh nhân có những bệnh lý chống chỉ định sử dụng hormone KTBT.
  • Phụ nữ có buồng trứng bình thường, nhưng không muốn tiêm hormone KTBT khi làm TTTON.

THỤ TINH TRONG ỐNG NGHIỆM KHÔNG CẦN KÍCH THÍCH BUỒNG TRỨNG (CAPA-IVM)

 

3. Kỹ thuật CAPA-IVM tại IVFMD có gì đặc biệt  

Kỹ thuật IVM theo kiểu cũ thành công ở Việt Nam từ năm 2007 và được áp dụng trong suốt 15 năm qua cho hàng ngàn trường hợp. Sau khi ý tưởng cải tiến của CAPA – IVM được báo cáo thành công lần đầu tiên tại Đại học VUB của Bỉ, nhóm chuyên gia về IVM ở Bệnh viện Mỹ Đức đã phối hợp với nhóm nghiên cứu của VUB để triển khai phác đồ CAPA – IVM cải tiến tại Việt Nam. Sau đó, hàng loạt công bố khoa học quan trọng về hiệu quả của CAPA – IVM ở Việt Nam được đăng tải trên các tập san khoa học uy tín và báo cáo tại các hội nghị khoa học quốc tế.

Hiện nay, CAPA –  IVM đã được áp dụng tại hơn 10 nước trên thế giới. Trong đó, các phác đồ áp dụng CAPA – IVM ở Mỹ Đức cho kết quả tốt nhất. Nhiều chuyên gia trên thế giới đã đến Việt Nam tìm hiểu phác đồ áp dụng CAPA – IVM hiệu quả của IVF Mỹ Đức. Sở dĩ thu được thành công cao là do cách chuẩn bị bệnh nhân, cách chọc hút trứng của IVF Mỹ Đức cho tỉ lệ cao hơn nhiều nước trên thế giới. Quy trình xử lý trứng cũng được rút ngắn để trứng đạt chất lượng tốt nhất. Quy trình chọc hút, xử lý trứng, tạo phôi gồm khoảng 20 bước, đều được IVF Mỹ Đức đúc rút từ kinh nghiệm suốt nhiều năm trong lĩnh vực thụ tinh ống nghiệm. Đến nay, chúng tôi đã thực hiện thành công hơn 400 ca thụ tinh ống nghiệm không cần kích thích buồng trứng.

  • Là đơn vị tiên phong và duy nhất tiến hành kỹ thuật này
  • Kỹ thuật này đã được chứng nhận?
  • Đội ngũ bác sĩ thực hiện IVM tại IVFMD

 

4. Ưu điểm và nhược điểm của kỹ thuật CAPA-IVM 

4.1. Ưu điểm

CAPA-IVM là kỹ thuật điều trị hiếm muộn có nhiều ưu điểm như:

  • Không tiêm kích thích buồng trứng hoặc chỉ tiêm kích thích buồng trứng nhẹ, ít ngày.
  • Hạn chế được các biến chứng của thuốc kích thích buồng trứng, đặc biệt biến chứng quá kích buồng trứng.
  • Giảm chi phí thuốc, số lần tiêm thuốc, số lần tái khám siêu âm, xét nghiệm nội tiết cũng so với kỹ thuật ICSI. Điều này giúp bạn tiết kiệm thời gian, chi phí cũng như giảm đau đớn khi phải tiêm thuốc mỗi ngày và lấy máu định kỳ.

4.2. Nhược điểm:

Mặc dù có ưu điểm ở nhiều mặt, nhưng CAPA-IVM cũng có một số nhược điểm như:

  • Kỹ thuật chọc hút noãn khó cho nang noãn có kích thước nhỏ, phải chọc hút bằng máy chuyên biệt.
  • Số lượng noãn trưởng thành thu được ít.
  • Tỉ lệ trưởng thành noãn kém do sự không đồng bộ trong quá trình phát triển của noãn.

Điều này đòi hỏi kỹ thuật chọc hút lấy noãn và kỹ thuật nuôi cấy của những chuyên gia có tay nghề cao. Và sau bao nỗ lực, các chuyên gia đã tìm ra cách để đồng bộ hóa sự trưởng thành của noãn, đó là sử dụng các môi trường nuôi cấy đặc biệt. Phương án này đã cho những kết quả khả quan hơn khi tỉ lệ thai lâm sàng cao (63,2%) và tỷ lệ trẻ sinh sống cao 50%.

 

5. Tỉ lệ thành công của CAPA-IVM

Tương tự như TTTON cổ điển, tỉ lệ thành công của Kỹ thuật CAPA-IVM cũng phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó, tuổi người vợ, nguyên nhân vô sinh và tiền sử điều trị trước đó có ảnh hưởng nhiều nhất. Tại IVFMD, các trường hợp tiến hành CAPA-IVM tiên lượng tốt (người phụ nữ/người vợ dưới 35 tuổi, nguyên nhân vô sinh do chồng), tỉ lệ thành công trung bình là 40-45%.

 

6. Sức khỏe trẻ sinh ra từ CAPA-IVM thế nào?

Hiện tại chưa có bằng chứng khoa học để kết luận CAPA-IVM có tác động trực tiếp lên nguy cơ mắc các bệnh lý ác tính, cũng như sự phát triển tâm thần, vận động của các trẻ IVM so với các trẻ được sinh ra từ thai kỳ tự nhiên. Nhìn chung, tỉ lệ trẻ CAPA-IVM có bất thường tương đương với trẻ được sinh ra từ các thai kỳ tự nhiên, khoảng 1-2%.

THỤ TINH TRONG ỐNG NGHIỆM KHÔNG CẦN KÍCH THÍCH BUỒNG TRỨNG (CAPA-IVM)

Trước đây, khi tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm cho các cặp vợ chồng hiếm muộn, việc kích thích buồng trứng gần như trở thành thường quy. Tuy nhiên, quá trình kích thích buồng trứng cũng gây nhiều vấn đề không mong muốn, đặt biệt là các chị em trong nhóm phụ nữ có buồng trứng đa nang. Đứng trước thử thách trên, các y bác sĩ đầu ngành về kỹ thuật hỗ trợ sinh sản tại IVF Mỹ Đức đã cải tiến, ứng dụng phương pháp thụ tinh ống nghiệm không cần kích thích buồng trứng CAPA-IVM và thu về tỉ lệ thành công vượt trội.