Quá trình đánh giá và ý nghĩa của phân loại phôi

Trong điều trị thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON), bác sĩ (BS), chuyên viên phôi học (CVPH) và vợ chồng bệnh nhân rất quan tâm đến một câu hỏi: Đâu là phôi tốt nhất để mang lại cơ hội có thai cao nhất?

Đây là một câu hỏi không dễ dàng trả lời vì phôi người là một cấu trúc hiển vi phức tạp, với sự tăng trưởng và phát triển diễn ra trong khoảng thời gian rất ngắn. Mục tiêu của bài viết này nhằm cung cấp cho bệnh nhân những kiến thức cơ bản cần biết về quá trình đánh giá phôi và ý nghĩa của phân loại đó trong quá trình điều trị TTTON.

Đánh giá phôi là một quy trình được thực hiện bởi CVPH, dưới sự phóng đại rất lớn của kính hiển vi. Các tiêu chuẩn trong quy trình này được chọn lọc từ kinh nghiệm theo dõi hàng triệu phôi sau thụ tinh trong ống nghiệm của các chuyên gia về phôi học trên thế giới. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp phôi được phân loại không tốt nhưng vẫn đậu thai, trong khi những phôi được phân loại tốt thì lại không có kết quả. Lý do của những tình huống này là do hình thái bên ngoài của phôi không phản ánh chính xác thông tin di truyền bên của phôi, là yếu tố quyết định phôi có đủ khả năng phát triển tiếp hay không.

Bên cạnh những hệ thống đánh giá phôi đã được đồng thuận bởi các Hiệp hội chuyên gia trên thế giới thì mỗi Trung tâm điều trị TTTON sẽ có những thay đổi để phù hợp thực tế làm việc. Với kinh nghiệm 27 năm trong lĩnh vực TTTON, Hệ thống IVFMD có một hệ thống đánh giá phôi ngày 3 và ngày 5 riêng nhằm lựa chọn ra những phôi có cơ hội đậu thai cao nhất. Và bài viết này cung cấp một số thông tin cơ bản về Hệ thống đó nhằm giúp cho Quý bệnh nhân hiểu rõ hơn và an tâm hơn về kết quả điều trị.


Kỹ thuật nuôi phôi Timelapse tại hệ thống IVFMD

 

Noãn sau khi thụ tinh thành công với tinh trùng sẽ tạo thành hợp tử, là một tế bào – đơn vị đầu tiên của cơ thể sống. Sau mỗi khoảng thời gian xấp xỉ 1 ngày, tế bào này và những tế bào tiếp theo sẽ nhân đôi lên, làm cho tổng số tế bào tăng lên theo cấp số nhân. Các CVPH sẽ lựa chọn các thời điểm sau 1 ngày, 3 ngày và 5 ngày để đánh giá kết quả của quá trình tạo phôi và nuôi phôi.

Phôi 3 ngày tuổi hay còn gọi là phôi giai đoạn phân chia, do các tế bào tiếp tục phân chia tăng số lượng nhưng kích thước của phôi không thay đổi, tương đương với kích thước của noãn trước thụ tinh (hình minh họa 1). Giống như một chiếc bánh pizza, khi chúng ta phân chia nó ra thì số lượng miếng bánh sẽ tăng lên nhưng kích thước chiếc bánh thì không. Song song quá trình phân chia đó thì các thông tin di truyền được kết hợp từ bố và mẹ trong một tế bào ban đầu sẽ được nhân bản lên tương ứng với số tế bào.

Hình phôi ngày 3 – 8 tế bào

Tuy nhiên trên thực tế, không phải tất cả các tế bào của phôi sẽ nhân đôi một cách đồng loạt, mà có tế bào nhân đôi trước, có tế bào nhân đôi sau. Do đó, khi quan sát trên kính hiển vi, các CVPH sẽ quan sát thấy 6 hoặc 7 hoặc 9 tế bào. Đặc điểm này không phải là dự báo chất lượng phôi kém mà những phôi đó vẫn phát triển bình thường. Bên cạnh đó, đôi lúc trong quá trình phân chia sẽ có một phần tế bào phôi bị vỡ ra bên ngoài tế bào, gọi là phân mảnh hay mảnh vụn. Các mảnh vụn này không chứa chất liệu di truyền của tế bào mà chỉ chứa những chất phụ trợ. Nguyên nhân của sự xuất hiện các mảnh vỡ này vẫn chưa được hiểu rõ nhưng nếu tế bào chứa nhiều mảnh vỡ này thì sẽ không thuận lợi để phát triển do thiếu những chất phụ trợ cần thiết.

Tại Hệ thống IVFMD, phôi ngày 3 sẽ được đánh giá dựa trên 3 tiêu chuẩn: số lượng tế bào, tương quan kích thước giữa các phôi bào đều hay không và mức độ phân mảnh. Từ đó, phôi sẽ được xếp vào 3 loại: I, II, III tương ứng với chất lượng giảm dần. Ngoài ra nếu phôi có xuất hiện thêm các bất thường khác như: đa nhân, có không bào, dạng kéo dài, phân mảnh rời rạc, phân mảnh lớn thì sẽ được tiên lượng sẽ giảm thêm.

Phôi ngày 5 hay còn gọi phôi nang là trạng thái đã có nhiều thay đổi hơn so với ngày 3. Bên cạnh sự gia tăng về số lượng tế bào thì còn có sự phân chia nhiệm vụ rõ ràng giữa các tế bào. Có 2 nhóm tế bào: nhóm tế bào phát triển thành khối tế bào bên trong (the inner cells mass – ICM) sau này sẽ phát triển thành cơ thể em bé hoàn chỉnh, nhóm tế bào bên ngoài (the trophectoderm epithelium – TE) sẽ phát triển thành bánh nhau và màng ối để bao bọc cho em bé. Sự phát triển bình thường của cả 2 nhóm tế bào này đều là yêu cầu cần thiết cho một thai kỳ khỏe mạnh. Ngoài ra, các tế bào phôi sẽ tiết ra dịch vào bên trong, cùng với sự bao bọc bên ngoài của TE, làm cho phôi ở giai đoạn này trông giống như một nang (hình minh họa 2). Mức độ lớn của nang này cũng là một tiêu chuẩn để đánh giá chất lượng phôi ngày 5. Cụ thể, độ lớn của phôi nang được xếp loại từ 2 đến 6, tùy vào mức độ giãn nở của nang; hình thái của ICM và TE sẽ được đánh giá chủ quan và phân loại theo A, B, C, D. Độ lớn của phôi nang càng lớn thì chất lượng phôi càng tốt, nhưng phân loại từ A đến D lại tỉ lệ nghịch với chất lượng phôi. Ví dụ: 6AB, trong đó 6 là phân loại độ lớn của phôi nang, A là chất lượng của ICM, B là chất lượng của TE.


Hình phôi nang ngày 5

Hệ thống tiêu chuẩn đánh giá chất lượng phôi là một công cụ quan trọng trong điều trị HTSS. Tuy nhiên, đây không phải là yếu tố quyết định sự thành công của quá trình điều trị. Trên thực tế, bác sĩ HTSS sẽ căn cứ vào tuổi phôi, chất lượng phôi và những vấn đề bệnh lý kết hợp ở một bệnh nhân cụ thể để có những điều chỉnh trong phác đồ chuẩn bị nội mạc tử cung, nhằm mang cơ hội đậu thai cao nhất cho mỗi bệnh nhân.

 

Ths. Bs. Dương Công Bằng

Khoa hiếm muộn vô sinh BV Phụ sản quốc tế Sài Gòn – IVFMD SIH