Vô sinh là tình trạng không thể thụ thai ở các cặp vợ chồng sống với nhau hơn một năm, quan hệ tình dục bình thường, không sử dụng các phương pháp tránh thai. Rất nhiều cặp vợ chồng sau khi kết hôn một thời gian dài chưa có con mới đi khám vô sinh và phát hiện bất thường. Vô sinh có thể gặp ở nam giới hoặc ở nữ giới, các xét nghiệm vô sinh nam và nữ sẽ được trình bày chi tiết trong nội dung tiếp theo sau đây. 

Khi nào cần thực hiện xét nghiệm vô sinh?

Đối với nữ: 

    • Phụ nữ dưới 35 tuổi, đang tích cực cố gắng mang thai sau một năm nhưng không có kết quả. 
    • Phụ nữ trên 35 tuổi cố gắng mang thai sau 6 tháng mà không thành công. 
    • Có tiền sử sẩy thai tối thiểu 3 lần, thai lưu từ 2 lần trở lên. 
    • Chu kỳ kinh nguyệt không ổn định, bất thường.
    • Có kết quả chẩn đoán bị nội mạc tử cung, tắc nghẽn vòi trứng. 
    • Mắc những bệnh lý ung thư khi đang trong độ tuổi sinh sản. 
    • Có xét nghiệm dương tính với bệnh lậu, chlamydia.

Đối với nam: 

    • Quan hệ vợ chồng không dùng bất kỳ biện pháp tránh thai nào trong vòng 1 năm nhưng chưa có con. 
    • Bị xuất tinh sớm, xuất tinh ngược, rối loạn xuất tinh kèm theo giảm ham muốn tình dục. 
    • Trước đây đã từng bị viêm nhiễm và những bệnh có liên quan đến tinh hoàn, chẳng hạn quai bị, phẫu thuật tinh hoàn ẩn. 
    • Đã từng mắc phải bệnh lý gây ra tình trạng tắc ống dẫn tinh như: giang mai, bệnh lậu, hoa liễu.
    • Một số bệnh nam khoa khác: viêm tuyến sinh dục, có khối u ở bộ phận sinh dục, giãn tĩnh mạch thừng tinh, nhiễm trùng đường tiết niệu,…
    • Người có thói quen, lối sống thiếu lành mạnh: ngồi nhiều, hay lái xe đường dài, thường xuyên uống đồ uống có cồn, ăn uống nghỉ ngơi không điều độ. 
    • Người phải làm việc trong môi trường có nhiệt độ cao, tiếp xúc với hóa chất độc hại.

Xét nghiệm vô sinh bằng cách nào? Các xét nghiệm chẩn đoán vô sinh ở nữ giới 

Khi yêu cầu dịch vụ xét nghiệm vô sinh nữ, bác sĩ thường sẽ chỉ định bạn làm những xét nghiệm sau: 

  1. Xét nghiệm hormone: đo nồng độ hormone trong máu, bao gồm estrogen, progesterone, và hormone kích thích tuyến sinh dục (LH). Các xét nghiệm này giúp đánh giá sự phát triển và chức năng của buồng trứng và tổng thể khối u nội mạc tử cung.
  2. Siêu âm phụ khoa: Xét nghiệm siêu âm phụ khoa sẽ tạo hình ảnh của tử cung, buồng trứng và các ống dẫn trứng để xác định xem chúng có bất kỳ dị tật hay không.
  3. Xét nghiệm chức năng tuyến giáp: Bao gồm đo nồng độ TSH (hormone kích thích tuyến giáp) để xác định nếu tuyến giáp hoạt động bình thường. Nếu nồng độ TSH cao hoặc thấp hơn mức bình thường, có thể ảnh hưởng đến khả năng thụ thai.
  4. Xét nghiệm AMH (nồng độ Anti-mullerian hormone): giúp tiên đoán số lượng trứng còn lại trên buồng trứng của người phụ nữ. Loại xét nghiệm này có thể thực hiện bất cứ lúc nào của chu kỳ kinh nguyệt. 
  5. Đo nồng độ FSH và Estradiol: thực hiện vào ngày thứ 2 hoặc thứ 3 của chu kỳ kinh nguyệt để tiên đoán về dự trữ buồng trứng của người nữ.
  6. HSG chụp X-quang tử cung: HSG dùng để đánh giá buồng tử cung và sự thông thương của 2 ống dẫn trứng.
  7. Siêu âm phụ khoa: thực hiện siêu âm qua ngả âm đạo giúp đánh giá hình thái của tử cung và hai buồng trứng, tầm soát một số dấu hiệu bất thường như u xơ tử cung, u nang buồng trứng, u lạc nội mạc tử cung buồng trứng. 
  8. Siêu âm bơm nước buồng tử cung (SIS): giúp đánh giá sâu hơn những bất thường của buồng tử cung như polyp, nhân xơ tử cung dưới niêm,… Một số trường hợp còn có thể đánh giá gián tiếp sự thông tắc của 2 vòi trứng. 
  9. Nội soi chẩn đoán: phẫu thuật nội soi ổ bụng, vùng chậu kèm nội soi buồng tử cung, giúp đánh giá tình trạng thông thương của ống dẫn trứng, buồng trứng, tử cung và vùng chậu. 
  10. Xét nghiệm khác: Bao gồm các xét nghiệm nghiên cứu về sự kháng cự của hệ miễn dịch, xét nghiệm đánh giá khả năng truyền nhiễm các bệnh tình dục, và xét nghiệm viêm nhiễm âm đạo.

Xét nghiệm vô sinh nam gồm những gì? 

Các loại xét nghiệm vô sinh nam thường bao gồm: 

  1. Các xét nghiệm máu gồm các hormon như: Testosterone, các kháng nguyên, kháng thể có thể gây ra bệnh lây lan qua đường tình dục như giang mai, bệnh lậu, FSH, LH,… Thông qua kết quả xét nghiệm máu, bác sĩ có thể phát hiện được những nguyên nhân ảnh hưởng đến chức năng sinh sản. 
  2. Xét nghiệm tinh dịch đồ: Áp dụng phương pháp này để phân tích tinh trùng và tinh dịch nhằm phát hiện kịp thời các bất thường về hình dáng, số lượng, kích thước cũng như khả năng hoạt động của tinh trùng đang trong tình trạng như thế nào. 
  3. Xét nghiệm sinh thiết tinh hoàn: Những bệnh liên quan đến tinh hoàn có thể là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng vô sinh ở nam.
  4. Xét nghiệm đánh giá hormone (nội tiết tố): Tương tự như nữ giới, hormone cũng là yếu tố cực kỳ quan trọng trong quá trình sản xuất tinh trùng. 
  5. Xét nghiệm kiểm tra di truyền: Yếu tố di truyền cũng có khả năng làm suy giảm chất lượng và số lượng tinh trùng.

Bên cạnh các xét nghiệm trên, nam giới sẽ được thực hiện một số công đoạn kiểm tra sức khỏe khác như: kiểm tra bộ phận sinh dục, số lần quan hệ, kiểm tra xem có bị mắc các bệnh mạn tính, di truyền và bị chấn thương ảnh hưởng đến bộ phận sinh dục hay không.

Sau khi đã thực hiện xong các xét nghiệm theo chỉ định của bác sĩ, bạn sẽ nhận được kết quả xét nghiệm vô sinh. Nếu có vấn đề bất thường, bác sĩ sẽ tư vấn và đưa ra giải pháp chữa trị kịp thời cho bạn.

Những xét nghiệm vô sinh nam và nữ cần làm.
Những xét nghiệm vô sinh nam và nữ cần làm.

LƯU Ý: Không phải quá trình khám hiếm muộn nào cũng bắt buộc thực hiện đầy đủ các xét nghiệm trên, một số trường hợp còn phải thực hiện thêm những xét nghiệm khác.