Hội chứng quá kích buồng trứng tuy chiếm tỉ lệ không cao và có thể tự theo dõi tại nhà nếu tình trạng nhẹ, nhưng nếu bệnh nhân có biểu hiện nặng và không được theo dõi, điều trị kịp thời thì sẽ rất dễ gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Vậy quá kích buồng trứng là bệnh gì? Quá kích buồng trứng biểu hiện ra sao?
Hội chứng quá kích buồng trứng là gì?
Quá kích buồng trứng (QKBT) là một bệnh lý có thể gặp sau kích thích buồng trứng (KTBT). Trong đó, QKBT nặng xảy ra với tần suất khoảng 1% các chu kỳ bơm tinh trùng vào buồng tử cung và 0,5 – 5% các chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm.
Đối tượng nào có nguy cơ bị hội chứng quá kích buồng trứng
Những yếu tố làm tăng nguy cơ gặp phải hiện tượng quá kích buồng trứng:
- Hội chứng buồng trứng đa nang
- Tiền căn quá kích buồng trứng
- Có nồng độ estradiol tăng nhanh và cao
- Có nhiều nang noãn phát triển
- Bệnh nhân trẻ tuổi, thể trạng gầy
- Bệnh nhân có thai
Những triệu chứng quá kích buồng trứng
Các triệu chứng của quá kích buồng trứng thường xuất hiện từ 3 đến 6 ngày sau khi tiêm hCG. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, triệu chứng cũng có thể xuất hiện muộn hơn.
Dấu hiệu quá kích buồng trứng thông thường sẽ bao gồm:
- Căng bụng, đau bụng
- Buồn nôn và nôn
- Tiêu chảy, lượng nước tiểu giảm
- Khó thở, phù và tăng cân.
Biểu hiện của quá kích buồng trứng có thể kéo dài và trầm trọng hơn ở bệnh nhân có thai.
Cách điều trị quá kích buồng trứng
Trong đa số các trường hợp, triệu chứng của bệnh nhân giảm dần và tự khỏi. Dựa trên từng trường hợp cụ thể, một số bệnh nhân có nguy cơ QKBT sẽ được hướng dẫn tự theo dõi tại nhà:
- Nghỉ ngơi, sinh hoạt nhẹ nhàng, không giao hợp
- Uống nhiều nước, trung bình khoảng 3 lít/ngày
- Đo lượng nước tiểu 24 giờ
- Đo vòng bụng mỗi ngày: vào buổi sáng, sử dụng thước dây đo ngang rốn ở tư thế nằm ngửa
Đối với hiện tượng quá kích buồng trứng nghiêm trọng, bệnh nhân cần nhập viện để được theo dõi, chăm sóc đặc biệt theo phác đồ điều trị quá kích buồng trứng do bác sĩ chỉ định.
Hướng dẫn phòng ngừa hội chứng quá kích buồng trứng
Điều đầu tiên, nếu bệnh nhân có nguy cơ quá kích buồng trứng, đặc biệt và các bệnh nhân có hội chứng buồng trứng đa nang, có thể thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm không cần tiêm thuốc kích thích buồng trứng (CAPA-IVM). Với kỹ thuật này, hầu như việc tiêm thuốc KKBT là không cần thiết, quá kích buồng trứng là điều không xảy ra.
Ngoài ra, để phòng tránh tối đa việc mắc phải hội chứng quá kích buồng trứng và giảm thiểu rủi ro, bệnh nhân cần phải tìm hiểu và lựa chọn đơn vị hỗ trợ sinh sản uy tín, đội ngũ bác sĩ có chuyên môn cao, kinh nghiệm lâu năm.
Bên cạnh đó, cơ sở y tế cũng phải đảm bảo đầu tư trang thiết bị hiện đại, đáp ứng tốt về mặt kỹ thuật trong điều trị vô sinh để hạn chế những biến cố ngoài ý muốn cho bệnh nhân sau khi điều trị hiếm muộn.
Khi có bất kỳ dấu hiệu nào bất thường sau hỗ trợ sinh sản, bạn nên thông báo cho bác sĩ điều trị hoặc tái khám ngay tại trung tâm đang điều trị.