Hỏi đáp về Lạc nội mạc tử cung cùng Bác sĩ Lê Thị Hà Xuyên

Lạc nội mạc tử cung là gì? 

Lạc nội mạc tử cung là tình trạng mô nội mạc tử cung, thường là lớp lót trong của tử cung (lớp nội mạc tử cung), phát triển bên ngoài tử cung, thường là trong vùng chậu. Nguyên nhân chính xác gây ra hiện tượng này vẫn chưa được hiểu rõ. Mô nội mạc tử cung có thể đi lạc ở bất kỳ đâu trong vùng chậu, phổ biến nhất là trên các dây chằng treo tử cung hoặc trên buồng trứng. Những nơi khác mà mô nội mạc tử cung có thể đi lạc bao gồm ruột, bàng quang, âm đạo, ảnh hưởng đến chức năng của các cơ quan đó. Đôi khi, lạc nội mạc tử cung có thể được tìm thấy trong cơ tử cung (adenomyosis). Một số trường hợp hiếm khác lạc nội mạc tử cung có thể được tìm thấy trong sẹo mổ hoặc ở những vùng xa trong cơ thể như cơ hoành. 

Khoảng 10% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản bị lạc nội mạc tử cung. Phụ nữ có mẹ hoặc chị em gái cũng mắc lạc nội mạc tử cung sẽ có nguy cơ cao mắc lạc nội mạc tử cung. Lạc nội mạc tử cung giai đoạn sớm thường khó chẩn đoán, có thể mất nhiều năm trước khi người phụ nữ được đoán mắc lạc nội mạc tử cung, đây là tình trạng bệnh lý lâu dài có thể ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe thể chất và tinh thần của họ.

Triệu chứng của lạc nội mạc tử cung là gì? 

Triệu chứng phổ biến nhất của lạc nội mạc tử cung là đau vùng chậu: 

  • Đau trước khi bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt 
  • Đau trong khi hành kinh 
  • Đau trong hoặc sau khi quan hệ tình dục 

Một số triệu chứng do lạc nội mạc tử cung có thể trùng lắp với các bệnh lý khác như: 

  • Kinh nguyệt không đều hoặc hành kinh lượng nhiều 
  • Đau vùng chậu khi đại tiện (khi có lạc nội mạc ở ruột) 
  • Đau vùng chậu khi đi tiểu (khi có lạc nội mạc ở bàng quang)
  • Đau lan tỏa đến ngón chân hoặc lưng 
  • Mệt mỏi 
  • Hiếm muộn

Một số trường hợp có thể có các triệu chứng ít phổ biến hơn như khi mô nội mạc tử cung lạc ở ruột gây căng tức bụng, chảy máu từ trực tràng mỗi khi hành kinh hoặc thậm chí tắc ruột. Đau vùng chậu có thể chỉ xuất hiện quanh hoặc trong chu kì kinh nguyệt, nhưng cũng có thể kéo dài liên tục không liên quan đến chu kỳ kinh. Mức độ nghiêm trọng của cơn đau và các triệu chứng khác của lạc nội mạc tử cung có thể khác nhau ở mỗi người; một số bệnh nhân có lạc nội mạc tử cung nặng nhưng lại không có triệu chứng, trong khi những người khác lạc nội mạc tử cung nhẹ lại có triệu chứng nặng. Điều này dẫn đến việc chẩn đoán và điều trị lạc nội mạc tử cung rất khó khăn.

Lạc nội mạc tử cung gây ra triệu chứng như thế nào? 

Nguyên nhân chính xác của lạc nội mạc tử cung chưa được biết đến nhưng có thể đây là một quá trình viêm chịu ảnh hưởng của nội tiết. Trong chu kỳ kinh nguyệt bình thường, dưới kích thích từ estrogen, lớp niêm mạc tử cung dày lên và sau đó bong ra nếu không có hiện tượng làm tổ của phôi thai. Tương tự như vậy, mô lạc nội mạc tử cung ở bên ngoài cũng sẽ phát triển và chảy máu phản ứng lại với estrogen. Sự phát triển của mô lạc nội mạc tử cung và chảy máu có thể gây tổn thương và viêm dính cho các mô xung quanh, gây ra các cơn đau. Khi các mô này lành lại, có thể để lại sẹo gây dính vào các cơ quan thường di động tự do như buồng trứng, ruột và bàng quang, điều này có thể gây kéo làm căng lớp tạng bên trong và gây đau mãn tính. Lạc nội mạc tử cung tại buồng trứng và ống dẫn trứng có thể góp phần gây hiếm muộn nhưng đa số phụ nữ có lạc nội mạc tử cung vẫn có khả năng có thai tự nhiên. Lạc nội mạc tử cung trên buồng trứng có thể hình thành các nang lạc chứa máu cũ gọi là u lạc nội mạc tử cung buồng trứng. Những nang lạc này có thể gây đau khi chúng tăng kích thước, hoặc nếu máu cũ bị rỉ. 

Làm thế nào để chẩn đoán lạc nội mạc tử cung? 

Lạc nội mạc tử cung có thể là một tình trạng khó chẩn đoán vì mỗi bệnh nhân có một triệu chứng khác nhau, và có thể giống với các tình trạng khác như hội chứng ruột kích thích, viêm bàng quang hoặc bệnh viêm vùng chậu mạn. Trung bình mất 8 năm để chẩn đoán lạc nội mạc tử cung. Lạc nội mạc tử cung có thể được chẩn đoán bằng nhiều cách khác nhau. Tiêu chuẩn vàng để xác nhận chẩn đoán lạc nội mạc tử cung là phẫu thuật vì mô nội mạc tử cung sẽ được nhìn thấy và/hoặc sinh thiết. Tuy nhiên, đôi khi lạc nội mạc tử cung có thể được thấy trên siêu âm hoặc MRI. Dựa trên các dấu hiệu và triệu chứng, bác sĩ cũng có thể chẩn đoán sơ bộ là lạc nội mạc tử cung và điều trị thử.

Các xét nghiệm cần làm để chẩn đoán lạc nội mạc tử cung

Lạc nội mạc tử cung không thể được chẩn đoán qua xét nghiệm máu đơn thuần.

  • Siêu âm phụ khoa qua ngả âm đạo, để tìm các khối u lạc nội mạc tử cung trên buồng trứng, một số vị trí nốt lạc nội mạc tử cung sâu vùng chậu. Siêu âm có thể gợi ý lạc nội mạc tử cung ví dụ như khi thấy buồng trứng bị dính hoặc ở vị trí bất thường. Siêu âm bình thường cũng không loại trừ tuyệt đối khả năng mắc lạc nội mạc tử cung. 
  • Chụp MRI được đề nghị nếu nghi ngờ có lạc nội mạc tử cung sâu. 
  • Nội soi ổ bụng là được xem là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán lạc nội mạc tử cung. Một camera và các dụng cụ phẫu thuật được đưa qua các lỗ nhỏ trên bụng để nhìn vào vùng chậu tìm các nốt lạc nội mạc tử cung và mô sẹo có thể gây ra các triệu chứng. Các dãi dây dính rộng, nốt lạc nội mạc tử cung và u nang nội mạc tử cung buồng trứng cũng có thể được nhìn thấy. Tuy nhiên, phẫu thuật nội soi không phải là tiện đầu tay và một số bệnh nhân có thể được điều trị khỏi mà không cần phẫu thuật. 

Lạc nội mạc tử cung tiến triển như thế nào? 

Nguyên nhân của lạc nội mạc tử cung hiện vẫn chưa được hiểu rõ. Bằng chứng hiện có từ các nghiên cứu cho thấy lạc nội mạc tử cung có thể cải thiện ở 3/10 bệnh nhân; diễn tiến nặng ở 3/10 bệnh nhân; vẫn không thay đổi ở các bệnh nhân còn lại. Hiện tại chưa có phương pháp điều trị triệt để cho bệnh lạc nội mạc tử cung hoặc các triệu chứng liên quan, và khi cung cấp các phương pháp điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh lạc nội mạc tử cung, các bác sĩ không thể dự đoán ai sẽ có khả năng bệnh lạc nội mạc tử cung trở nên nặng hơn nếu không được điều trị. Ngay cả khi được điều trị, bệnh lạc nội mạc tử cung vẫn có thể tái phát, nhưng một số bệnh nhân bị lạc nội mạc tử cung nặng không được điều trị có thể gặp phải các biến chứng như tắc nghẽn niệu quản. Những vấn đề này cần được xem xét khi lựa chọn các phương pháp điều trị.

Lạc nội mạc tử cung và khả năng sinh sản 

Mối quan hệ giữa lạc nội mạc tử cung và khả năng sinh sản vẫn chưa được xác định hoặc hiểu rõ hoàn toàn. Có nhiều phụ nữ mắc lạc nội mạc tử cung nhưng không gặp khó khăn trong việc có thai, đối với những bệnh nhân gặp khó khăn trong việc có thai; cần được thăm khám cẩn thận với bác sĩ hỗ trợ sinh sản để nhận được chẩn đoán và có kế hoạch điều trị phù hợp.

Điều trị lạc nội mạc tử cung

Hiện tại, không có phương pháp chữa khỏi hoàn toàn lạc nội mạc tử cung. Tuy nhiên, có nhiều phương pháp điều trị giúp kiểm soát triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống, bao gồm:

  • Thuốc giảm đau: Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) như ibuprofen hoặc naproxen có thể giúp giảm đau.
  • Liệu pháp hormone: Các loại thuốc như thuốc tránh thai, thuốc đồng vận GnRH, hoặc progestin có thể giúp ức chế sự phát triển của mô lạc nội mạc tử cung và giảm đau.
  • Phẫu thuật: Phẫu thuật nội soi có thể được sử dụng để loại bỏ các mô lạc nội mạc tử cung, u nang, và các mô sẹo. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, có thể cần phải cắt tử cung và buồng trứng.

Quản lý lạc nội mạc tử cung

Quản lý lạc nội mạc tử cung là một quá trình lâu dài và đòi hỏi sự kết hợp giữa nhiều phương pháp khác nhau, lạc nội mạc tử cung vẫn có thể tái phát, kể cả khi đã phẫu thuật:

  • Điều trị y tế: Như đã đề cập ở trên, bao gồm thuốc giảm đau, liệu pháp hormone và phẫu thuật.
  • Thay đổi lối sống: Chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, và kiểm soát căng thẳng có thể giúp cải thiện các triệu chứng.
  • Các liệu pháp hỗ trợ: Châm cứu, vật lý trị liệu, và các liệu pháp tâm lý có thể hữu ích trong việc kiểm soát cơn đau và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Lạc nội mạc tử cung là một bệnh lý cần quản lý suốt đời, quan trọng là phải thăm khám với bác sĩ có kinh nghiệm để tìm ra phương pháp điều trị và quản lý phù hợp nhất với tình trạng và mong muốn hiện tại của họ.

– BS. Lê Thị Hà Xuyên –

Tham khảo: https://www.leedsth.nhs.uk/patients/resources/endometriosis-2/